Bộ Y tế vừa có Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định quy định về quản lý mỹ phẩm. Theo Bộ Y tế cho biết, đến nay, sau hơn 12 năm triển khai thi hành Thông tư số 06/2011/TT-BYT, và 7 năm thi hành Nghị định số 93/2016/NĐ-CP, báo cáo đánh giá thi hành pháp luật trong lĩnh vực mỹ phẩm cho thấy các quy định tại hai văn bản trên đã phát sinh một số bất cập gây cản trở, khó khăn, ảnh hưởng đến công tác quản lý mỹ phẩm của cơ quan quản lý cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm của doanh nghiệp.

Trong đó, về tổ chức thực hiện lấy mẫu mỹ phẩm để kiểm tra chất lượng: Kinh doanh mỹ phẩm thuộc nhóm kinh doanh không điều kiện (kinh doanh có điều kiện chỉ áp dụng với sản xuất mỹ phẩm) nên gây khó khăn không nhỏ trong công tác kiểm tra, giám sát chất lượng mỹ phẩm. Việc triển khai mua mẫu tại các cơ sở kinh doanh (không thuộc ngành y tế cấp phép) còn gặp nhiều khó khăn do chưa có sự đồng thuận của các cơ sở kinh doanh. 

Ngày 4/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1661/QĐ-TTg phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hoá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế, trong đó có việc bãi bỏ thủ tục xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm với lộ trình thực hiện:2022-2025. Do đó, cần quy định về chế tài xử phạt nghiêm trong trường hợp quảng cáo quá mức tính năng, công dụng mỹ phẩm, gây hiểu nhầm cho người dùng. 

leftcenterrightdel
 Phòng trưng bày với chủ đề Nhận diện hoá - mỹ phẩm vi phạm trên thị trường. (Ảnh minh hoạ)

Bên cạnh đó, trong bối cảnh công nghiệp 4.0, một số hình thức kinh doanh mới trong lĩnh vực mỹ phẩm như bán hàng online trên các website và thương mại điện tử về mỹ phẩm, đa cấp… ngày càng phát triển, gây khó khăn cho công tác quản lý, chưa có quy định để kiểm soát được hết các thông tin, quảng cáo mỹ phẩm. Trong đó, việc giới thiệu, quảng cáo mỹ phẩm giả, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng trên mạng xã hội, trang điện tử cũng như việc kinh doanh không có cửa hàng khiến cơ quan kiểm tra gặp nhiều khó khăn do không xác định được chủ thể, không có hàng hóa để xử lý vi phạm.

Theo cơ quan chủ trì, việc xây dựng, ban hành Nghị định này nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách, pháp lý cũng như để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn trong bối cảnh thị trường mỹ phẩm Việt Nam ngày một gia tăng về quy mô, chủng loại mặt hàng và hình thức kinh doanh mới phát sinh (thương mại điện tử) hướng đến thực hiện mục tiêu cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong quản lý mỹ phẩm, nâng cao chất lượng mỹ phẩm sản xuất trong nước nhằm tăng tính cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập đồng thời tăng tính an toàn của sản phẩm mỹ phẩm lưu thông trên thị trường Việt Nam, tăng khả năng tiếp cận các sản phẩm mỹ phẩm an toàn chất lượng của người dân.

Về bố cục, dự thảo Nghị định dự kiến gồm 15 chương và 63 điều, có liên quan đến 3 chính sách. Dự thảo Nghị định áp dụng đối với các cơ quan chức năng có liên quan đến việc quản lý mỹ phẩm, các tổ chức, cá nhân tiến hành các hoạt động liên quan đến công bố sản phẩm mỹ phẩm, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, buôn bán sản phẩm mỹ phẩm tại Việt Nam.

3 chính sách trong đề nghị xây dựng Nghị định gồm: Chính sách 1: Tăng cường quy định về công bố sản phẩm mỹ phẩm để bảo đảm thống nhất trong việc xem xét công bố tính năng, công dụng sản phẩm mỹ phẩm phù hợp với thông lệ quốc tế và Hiệp định hòa hợp mỹ phẩm ASEAN.

Chính sách 2: Tăng cường công tác hậu kiểm về quản lý mỹ phẩm phù hợp xu thế cách mạng 4.0 và đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về mỹ phẩm; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đồng thời bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.

Chính sách 3: Nâng cao chất lượng mỹ phẩm sản xuất trong nước thông qua việc áp dụng CGMP-ASEAN và lộ trình triển khai.

P.V