(BVPL) - Mặc dù các cơ quan chức năng đã tập trung nhiều nguồn lực, giải pháp để chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, chống thất thu ngân sách nhà nước, nhưng thực tế, công tác này trong thời gian vừa qua chưa đạt nhiều kết quả…

 


Kết quả sơ bộ trong 9 tháng qua, các lực lượng chức năng đã phối hợp đấu tranh phát hiện, bắt giữ và xử lý hơn 157.500 vụ việc vi phạm, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Các đối tượng sản xuất hàng giả không từ một thủ đoạn nào như gia công sản phẩm ở một nơi, sau đó đến nơi khác lắp ráp, đóng gói thành phẩm. Thậm chí còn xuất hiện cả yếu tố nước ngoài móc nối với các cá nhân, doanh nghiệp trong nước hình thành đường dây làm hàng giả mạo xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các thương hiệu nổi tiếng. Hàng giả cũng được sản xuất theo đơn đặt hàng trà trộn vào hàng thật, ngụy trang trong bao bì thật nên rất khó phát hiện.

Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) cho biết: “Đối với hàng giả nhiều lúc người dân không nhận biết được hết bởi vì đối tượng hoạt động rất tinh vi, xảo quyệt và thường sử dụng công nghệ mới để sản xuất. Trách nhiệm nhận biết hàng giả không ai khác đó là lực lượng thanh tra, họ cần phải tuyên truyền, phối hợp với hải quan, phối hợp với quản lý thị trường, tuyên truyền cho các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam biết, trên cơ sở đó nhận diện, kiểm tra, xử lý và đặc biệt phải quán xuyến được thị trường để trên cơ sở đó phát hiện và cung cấp cho các cơ quan thông tin”.

Một trong những giải pháp để chống gian lận thương mại, hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ đó là thực thi nghiêm về hoàn thiện pháp luật để đủ sức răn đe, phòng ngừa. Đẩy mạnh công tác phối hợp trong cuộc chiến chống hàng giả, gian lận thương mại và quyền sở hữu trí tuệ. Còn về phía doanh nghiệp đã có những doanh nghiệp tự tìm giải pháp chống hàng gian, hàng giả để bảo vệ thương hiệu và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

Ông Lê Xuân Lộc, Trưởng Ban chống hàng giả của Công ty TNHH quốc tế Unilever Việt Nam cho biết: Doanh nghiệp phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để chống hàng giả. “Chúng tôi có một bộ phận thường trực về chống hàng giả, hàng nhái với những nhân sự cơ hữu được phân bổ ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước; Chúng tôi thiết lập một đầu mối liên lạc làm việc với các cơ quan chức năng để kịp thời báo cho các cơ quan chức năng về hiện tượng làm hàng giả, hàng nhái. Từ đó, chúng tôi luôn sát cánh với các cơ quan chức năng trong các việc xử lý vụ việc”.

Trong cuộc chiến chống hàng gian, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, giải pháp quan trọng là sự phối hợp đồng bộ, chủ động phát hiện, nhận diện các đối tượng, các hành vi vi phạm, trên cơ sở đó đưa cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái đi vào chiều sâu, đấu tranh có hiệu quả.
 

PV

.