(BVPL) - Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, việc cổ phần hóa (CPH) và thoái vốn tại tập đoàn gặp khó khăn bởi một số công ty có vốn rất lớn cần phải được Kiểm toán Nhà nước thẩm tra hồ sơ. Theo kế hoạch,  Nhà nước chỉ nắm 100% vốn các công ty thuộc lĩnh vực truyền tải điện. Trong lĩnh vực phát điện, Nhà nước chỉ nắm một số nhà máy thủy điện lớn, có tính chất đặc biệt quan trọng, còn lại cần đẩy mạnh CPH.

 


Tính đến ngày 31/12/2015, EVN đã hoàn thành vượt chỉ tiêu thoái vốn, thu về hơn 1.994 tỷ đồng, mang lại giá trị thặng dư 34,8 tỷ đồng. Mặc dù EVN cổ phần hóa trong thời điểm khó khăn về ngân hàng, tài chính, bất động sản nhưng Tập đoàn đã thoái vốn, bảo tồn nguồn vốn đầu tư ban đầu và có giá trị thặng dư. Trong những tháng đầu năm 2016, Tập đoàn này đã hoàn thiện đề án tái cấu trúc EVN giai đoạn 2016-2020 và đã trình Bộ Công thương, chờ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dù chưa được phê duyệt nhưng EVN đã chỉ đạo các đơn vị thành viên thoái vốn đã đầu tư tại các công ty cổ phần, đầu tư sở hữu chéo. Kết quả thu về 418 tỷ đồng, con số này có thặng dư so với vốn đầu tư ban đầu.

Báo cáo lộ trình CPH, lãnh đạo Tập đoàn cho biết, EVN đang xây dựng đề án CPH ba tổng công ty phát điện, vốn điều lệ mỗi công ty hơn 10 ngàn tỷ đồng. Vừa qua Tập đoàn đã thuê tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp và trình phương án CPH lên Chính phủ.Tuy nhiên, vì ba tổng công ty phát điện có vốn điều lệ lớn nên Chính phủ yêu cầu EVN phải chuyển toàn bộ hồ sơ sang Kiểm toán Nhà nước thẩm tra lại giá trị doanh nghiệp. Trong quá trình CPH, EVN xác định vốn điều lệ công ty phát điện 3 lên gấp 3 lần giá trị hiện nay. Còn Tổng Công ty phát điện 1 đã báo cáo Chính phủ về đề án tái cấu trúc. Với Tổng Công ty phát điện 2, Tập đoàn đang thuê tư vấn xác định giá trị, kế hoạch sẽ CPH trong năm 2018.

Theo dự kiến, tới năm 2018, EVN sẽ CPH các đơn vị thuộc khối phát điện. Sau khoảng hai năm, Tập đoàn tiếp tục theo dõi, xem xét hoạt động của các đơn vị sau khi CPH để xem xét cho tách riêng. Dự kiến đến năm 2020, EVN chỉ giữ lại các nhà máy điện đa mục tiêu, hệ thống truyền tải điện lưới quốc gia. Và đến năm 2023, khối các đơn vị phân phối điện, thị trường bán lẻ điện, cung cấp dịch vụ điện sẽ tách ra khỏi EVN, hoạt động cạnh tranh theo cơ chế thị trường.

Nói về những khó khăn khi CPH EVN, đại diện EVN nói rằng riêng ba Tổng công ty phát điện (1, 2 và 3) có vốn điều lệ rất lớn nên gặp vướng mắc như ở khâu lựa chọn đơn vị tư vấn, thẩm định giá trị doanh nghiệp. Theo đó, người đứng đầu EVN kiến nghị Chính phủ sửa đổi các quy định lựa chọn tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược cũng như phương án CP.

Nhấn mạnh tại hội nghị toàn quốc về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 2016-2020 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho hay: Khi cổ phần EVN, Nhà nước nắm 100% vốn các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực truyền tải điện. Trong lĩnh vực phát điện, Nhà nước chỉ nắm một số nhà máy thủy điện lớn, có tính chất đặc biệt quan trọng, liên quan đến an ninh, quốc phòng như nhà máy thủy điện Sơn La, Lai Châu… Các đơn vị còn lại cần đẩy mạnh CPH.
 

Minh Đức

.