Tại Hà Nội, ngày 30/7, Đoàn liên ngành 389 quận Hà Đông, TP Hà Nội phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) thành phố kiểm tra, phát hiện 1 ô tô và 1 điểm tập kết hơn 700.000 chiếc khẩu trang không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, có dấu hiệu làm giả.

Theo đó, Đội QLTT số 26 cùng Đoàn liên ngành 389 quận Hà Đông tiến hành khám phương tiện xe ô tô BKS 24N-3978 phát hiện hàng hóa gồm có 60 thùng khẩu trang không có nhãn mác (2.400 chiếc/thùng); 78 thùng khẩu trang có nhãn Green Life Face Mask (2.400 chiếc/thùng) do Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ Gia Bảo Hưng sản xuất. Tại thời điểm khám, toàn bộ hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định.

leftcenterrightdel
 Lực lượng chức năng TP Hà Nội phát hiện thu giữ khẩu trang không rõ nguồn gốc.

Đội QLTT số 26 đã ra quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hóa tại địa chỉ số 9-11 phố Ngô Thì Sỹ, khối Đoàn Kết, Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội và hàng hóa trên xe ô tô BKS 24N-3978 để xác minh làm rõ hành vi vi phạm để xử lý theo pháp luật.

Tại Hoà Bình, mới đây cơ quan chức năng đã phát hiện một nhà xưởng 2.000 m2 tại huyện Lương Sơn, Hòa Bình đang sản xuất khẩu trang giả và tái chế găng tay đã qua sử dụng, không rõ nguồn gốc.

Tại đây, hàng chục tấn găng tay y tế đã qua sử dụng được công ty BM (thuê mặt bằng tại công ty V-Link, khu công nghiệp Lương Sơn, Hòa Bình) thu gom về tái chế, đóng hộp, bán ra thị trường. Trên những chiếc găng tay vẫn còn nguyên chữ viết của các cơ sở y tế.

Tại Long An, ngày 27/7, Công an huyện Cần Giuộc phát hiện, tạm giữ 17.500 chiếc khẩu trang y tế không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Cơ quan chức năng tiến hành lập biên bản tạm giữ số hàng hóa nói trên để xác minh làm rõ, xử lý.

Tại Bình Định, ngày 27/7 Cục QLTT tỉnh Bình Định phát hiện, tạm giữ phương tiện xe ô tô tải vận chuyển số lượng lớn khẩu trang y tế. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện trên phương tiện có vận chuyển 70.500 chiếc khẩu trang y tế không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, vi phạm về ghi nhãn hàng hóa.

Tại Đà Nẵng, ngày 29/7, Đội Cảnh sát Kinh tế (Công an quận Sơn Trà) phối hợp UBND phường Thọ Quang và Đội QLTT số 4 kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh của một hộ dân trên đường Nguyễn Phan Vinh (tổ 65 phường Thọ Quang, quận Sơn Trà).

Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện 480 hộp chứa 24.000 khẩu trang y tế. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ của lô hàng.

leftcenterrightdel
 Găng tay y tế đã qua sử dụng được tái chế để tung ra thị trường.

Tiếp đó, ngày 28/7, Đội QLTT số 5 - Cục QLTT TP. Đà Nẵng, kiểm tra ngôi nhà trên đường Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu). Thời điểm này, trong nhà chứa nhiều thùng khẩu trang. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hơn 21.000 khẩu trang y tế loại 4 lớp. Thời điểm này, chủ lô hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ nguồn gốc lô hàng.

Còn tại TP.HCM, sau nhiều ngày theo dõi, chiều 30/7, Cục nghiệp vụ Tổng cục QLTT, tổ công tác 368 và Cục QLTT TP.HCM kiểm tra đột xuất và thu giữ lượng lớn khẩu trang 3M giả tại Công ty TNHH sản xuất và thương mại thiết bị Nam Anh (Q.Tân Phú, TP.HCM).

leftcenterrightdel
 Một cơ sở sản xuất khẩu trang bị kiểm tra.

Tại thời điểm kiểm tra đột xuất, Tổng cục QLTT phát hiện và xác định hàng trăm thùng hàng tại công ty Nam Anh chứa khẩu trang có nhãn hiệu 3M nhưng là sản phẩm giả mạo nhãn hiệu khẩu trang 3M Company của Mỹ. Số lượng sản phẩm vi phạm được thống kê khoảng 151.250 chiếc.

Theo các cơ quan chức năng, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời khuyến cáo người dân nên chọn mua những loại khẩu trang có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tránh việc tham rẻ mà dẫn đến “tiền mất tật mang”.

P.V (t/h)