Công văn gửi cho Sở Xây dựng, UBND TP. Đà Lạt và Công ty cổ phần (CTCP) Địa ốc Đà Lạt, yêu cầu: “CTCP Địa ốc Đà Lạt nghiêm túc chấp hành thực hiện tháo dỡ công trình sai phạm, đưa công trình vào sử dụng đúng công năng; gỡ bỏ các bảng quảng cáo gây phản cảm và chỉnh trang cơ sở nhà đất, đảm bảo mỹ quan đô thị và thực hiện các nội dung khác có liên quan theo đúng quy định”.
“Trường hợp CTCP Địa ốc Đà Lạt không tự giác chấp hành thì UBND TP.Đà Lạt thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành theo đúng quy định của pháp luật; báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 30/6/2018”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo và nhấn mạnh: “Đây là văn bản cuối cùng của UBND tỉnh về việc chỉ đạo xử lý đối với các vi phạm tại cơ sở nhà, đất nêu trên”.
|
|
Một góc biệt thự cổ mà báo BVPL đã từng phản ánh |
Trước đó, Bảo Bảo vệ pháp luật đã có loạt bài phản ánh, tháng 7/2017, CTCP Địa ốc Đà Lạt đã giả mạo hồ sơ giấy tờ để “qua mặt” Sở Xây dựng Lâm Đồng và sau đó được cấp giấy phép xây dựng (GPXD) tại phần khuôn viên biệt thự cổ số 22 Hùng Vương (Phường 10, TP. Đà Lạt), thuộc khu vực vành đai “Trục di sản Đông – Tây”, “chỉ được sử dụng làm đường nội bộ, công viên hoa, sân vườn, không được xây dựng công trình”.
Sau khi có GPXD, CTCP Địa ốc Đà Lạt đã cho một số tổ chức, cá nhân, trong đó có Công ty TNHH Tư vấn thiết kế - Đầu tư xây dựng Kiến Đại Việt (trụ sở tại TP. Đà Lạt), thuê lại khuôn viên của ngôi biệt thự cổ này, để “xẻ dọc xe ngang” hết sức manh mún, tiến hành xây dựng bừa bãi, phá nát cảnh quan của một công trình xây dựng cổ cần được bảo tồn và lưu giữ.
Các công trình xây dựng lộn xộn trên được sử dụng với nhiều mục đích “thượng vàng hạ cám”, từ văn phòng làm việc đến nhà trọ bình dân, quán cà phê, quán ăn, cửa hàng mua bán, cộng với đó là chằng chịt đủ kiểu bảng hiệu quảng cáo… rất phản cảm, khiến người dân địa phương và du khách thập phương vô cùng bức xúc.
Hy vọng với văn bản chỉ đạo xử lý được cho là cuối cùng này của UBND tỉnh Lâm Đồng, vụ việc này sẽ được giải quyết dứt điểm.
Tâm An