(BVPL) - Vụ việc hai lô hàng bao gồm phụ tùng ôtô, xe máy, linh kiện máy may, quần áo, vải vóc… do Trung Quốc sản xuất trị giá hàng chục tỷ đồng không có giấy tờ, chứng từ hợp pháp được vận chuyển trên các toa tàu hỏa lần lượt bị cơ quan chức năng phát hiện tại ga Hố Nai và ga Biên Hòa (Đồng Nai) vừa qua, đã cho thấy tính chất phức tạp của hoạt động buôn lậu trên các chuyến tàu vào Nam, ra Bắc. Dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng, những vụ việc này chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm” so với thực tế nguồn hàng lậu được vận chuyển trên các tuyến đường sắt thời gian qua?

 


Tại Hội nghị giao ban quy chế phối hợp về công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế giữa Tổng cục An ninh (Bộ Công an) và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam được tổ chức cách đây không lâu, nhiều ý kiến đồng tình cho rằng, hoạt động đường sắt phức tạp nhất vẫn là việc hành khách vận chuyển hàng lậu. Báo cáo của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho hay, trong 5 năm trở lại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện, làm rõ hơn 350 vụ buôn lậu, hàng giả trên các tuyến đường sắt, tạm giữ trên 1.600 kiện hàng hóa các loại, trị giá khoảng 9,2 tỷ đồng. Riêng thời gian từ đầu năm 2016 đến nay, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện, xử lý hàng chục vụ hàng nhập lậu, hàng không có xuất xứ hợp pháp vận chuyển trên các đoàn tàu. Điển hình là nghi án buôn lậu xảy ra vào ngày 14-5, lực lượng chống buôn lậu của Bộ Công an phối hợp Chi cục Quản lý thị trường và Công an tỉnh Đồng Nai phát hiện, xử lý 25 tấn hàng hóa được chia nhỏ thành 246 kiện, trị giá khoảng 12 tỷ đồng, gồm nhiều mặt hàng như: hàng điện tử tiêu dùng, mỹ phẩm, quần áo do Trung Quốc sản xuất không có chứng từ hợp lệ. Sau đó không lâu, ngày 10-6, lực lượng chống buôn lậu Công an tỉnh Đồng Nai cũng đã phát hiện lô hàng trị giá khoảng 30 tỷ đồng, gồm xe máy, phụ tùng ôtô, linh kiện máy may, quần áo, vải vóc… do Trung Quốc sản xuất. Số hàng này cũng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Khi được hỏi về nguyên nhân dẫn đến diễn biến phức tạp của tình trạng buôn lậu trên các tuyến đường sắt, hầu hết các cán bộ thuộc lực lượng chống buôn lậu tại các địa phương nơi có đường sắt đi qua đều cho rằng, hiện nay, việc xử lý đối tượng lợi dụng tàu khách, tàu hàng gặp rất nhiều khó khăn, bất cập. Tại một số ga như ga: Yên Bái (tuyến Hà Nội - Lào Cai); Bắc Giang, Kép, Đồng Mỏ, (tuyến Hà Nội - Lạng Sơn) hay Đông Anh, Yên Viên (Hà Nội) có các chuyến tàu từ biên giới phía Bắc về Hà Nội thường xuyên vận chuyển hàng hoá do Trung Quốc sản xuất nhưng chỉ dừng đỗ lại trong thời gian rất ngắn, do đó việc đề xuất cắt toa để kiểm tra khi phát hiện hàng lậu rất khó thực hiện. Thêm nữa, tại các ga đường sắt, khi cơ quan chức năng kiểm tra hàng hoá thường không có chủ hàng, mà chỉ có bộ phận bốc dỡ và đại diện vận chuyển, vì thế, khó có thể tìm và liên lạc được với chủ hàng trong các vụ việc liên quan đến buôn lậu... Đấy là chưa kể tại các ga, lợi dụng lực lượng kiểm soát của ngành đường sắt bận rộn trong việc chuyên môn, chỉ kiểm tra các kiện hàng khi phát hiện nghi vấn chứ không thể kiểm tra được tất cả, các đối tượng buôn lậu đã mua vé lên toa của mình để móc nối với cửu vạn tuồn hàng lậu qua cửa sổ toa tàu. Khi về đến gần các ga, lợi dụng thời gian dừng tàu ở ga ngắn, họ sử dụng nhiều biện pháp nhằm cản trở lực lượng kiểm soát như chốt chặt cửa toa, ngắt công tắc đèn chiếu sáng để tuồn hàng ra cho các đối tượng đón sẵn ở bên ngoài, thế là hàng lậu có thể “tà tà về xuôi”.

Cần sự vào cuộc quyết liệt

Là một trong những ga quan trọng nằm trong tuyến đường sắt huyết mạch Lạng Sơn - Hà Nội, nhưng theo lời một nhân viên đường sắt ở đây, mỗi ngày chỉ lèo tèo vài khách đi tàu lên xuống tại Ga Đồng Đăng, còn đông nhất vẫn là đội quân cửu vạn chuyên cõng, thồ hàng thuê. Sở dĩ có tình trạng trên là do đặc thù của ga Đồng Đăng chủ yếu phục vụ việc xếp, dỡ hàng (trong quý I/2016, tại ga chỉ có trên 600 hành khách nhưng có tới gần 150 tấn hàng hóa xếp, dỡ). Theo báo cáo của Trung tâm kinh doanh, vận tải đường sắt Đồng Đăng, thời gian qua, đối với hàng xếp lên tại ga, nhân viên đường sắt của ga thường xuyên phối hợp cùng với lực lượng chức năng kiểm tra, đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp, nhằm ngăn chặn nạn buôn lậu trên tàu. Tuy nhiên, ngoài thời gian phối hợp, có sự bất cập là nhân viên chuyên ngành đường sắt không có chức năng chống buôn lậu nên khi phát hiện các hành vi nghi vấn thường rất khó xử lý. Đối với công tác phối hợp, lực lượng chống buôn lậu đứng chân tại Đồng Đăng hiện đang duy trì rất tốt, song lực lượng này cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Muốn bắt giữ được hàng lậu trên tàu thì trước phải có thông tin chính ở các ga nơi đối tượng tập kết hàng lậu, sau đó mới được phép xin lệnh dừng tàu, cắt toa và tổ chức lực lượng bắt giữ. Một nhân viên Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn đang được tăng cường làm nhiệm vụ tại ga Đồng Đăng cho biết: cuối tháng 3-2016, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã ban hành Công văn số 05/BCĐ389-VPTT yêu cầu Bộ Giao thông-Vận tải, Công an, Công thương, Tài chính, Quốc phòng, Tổng cục Cảnh sát, Tổng cục Hải quan, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng; UBND và Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố thực hiện tốt một số nội dung để đảm bảo đạt hiệu quả cao trong phối hợp đấu tranh chống vận chuyển hàng lậu trên các tuyến đường sắt. Tuy nhiên, do các đối tượng buôn lậu áp dụng “trăm phương nghìn kế” để vận chuyển hàng lậu, nên nhiều lúc biết rõ “mười mươi” là hàng lậu nhưng khi lực lượng chức năng hỏi tới thì đó là hàng vô chủ. Ngoài ra, các đối tượng buôn lậu còn sử dụng các nhóm “bảo kê” để bảo vệ hàng, thường có hành vi đe dọa, uy hiếp nhân viên ngành đường sắt, gây nên tâm lý “ngại va chạm” trong quá trình thực thi nhiệm vụ.


Thực trạng ở Ga Đồng Đăng cũng giống như ở nhiều nơi dọc theo các tuyến đường sắt trọng điểm khác như: Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh; các ga Hà Nội, Giáp Bát, Lào Cai, Sóng Thần, Sài Gòn, khi lực lượng chống buôn lậu chỉ tập trung chống theo từng đợt và chỉ “đánh” những vụ lớn, hay khi có các đợt cao điểm. Còn những vụ “thường ngày”, mỗi cửu vạn chỉ “đi” vài bao hàng, mỗi chuyến tàu có cả chục cửu vạn thì khó mà “cản” nổi. Điều đáng quan ngại là đội quân giúp sức đắc lực cho các đối tượng lợi dụng đường sắt để buôn lậu chủ yếu là những thanh niên không nghề nghiệp, những người dân tranh thủ lúc nông nhàn. Họ áp tải hàng thuê cho các đối tượng buôn lậu theo một cơ chế ràng buộc rất chặt chẽ, trót lọt thì được hưởng tiền công, bị tịch thu thì trừ vào tiền đóng cọc. Vì vậy, nếu “đánh” mạnh, tịch thu hết thì chỉ chết dân nghèo làm thuê, còn chủ hàng đầu sỏ thì chẳng hề hấn gì.

Thiết nghĩ, muốn triệt được hàng lậu trên các tuyến đường sắt đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp. Lực lượng chống buôn lậu ở biên giới, cửa khẩu phải kiểm soát thật chặt, các ngành thuế vụ, quản lý thị trường, công an địa phương phải ra tay thật mạnh, đánh đúng, đánh đủ các loại thuế… Tất nhiên, cũng cần phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa ngành đường sắt với các ngành chức năng và chính quyền sở tại. Trách nhiệm chống buôn lậu cần được phân định rạch ròi, tất cả đều phải quyết tâm ra tay, chú ý tập trung vào các điểm nóng, tuyến nóng, nhằm tăng tính răn đe.
 

Bình Hưng

.