Qua vài cơn mưa lớn đầu mùa, dân buôn bán ở các chợ nông thôn miền Tây bắt đầu lo xa chuyện ế ẩm. Đi về các chợ miền quê vùng lúa - tôm Bạc Liêu, Cà Mau, hàng hóa bày bán đầy ắp, đủ loại. Mỗi sớm mai chợ nhộn nhịp đông đúc chỉ như cơn nóng thoáng qua. Nắng lên, chợ vãn thưa người. Dân tiểu thương chợ huyện nói: 90% sức mua trông vào nhà nông.

 


Làm ăn gặp khó

Con đường Quản lộ Phụng Hiệp về tới Cà Mau hai bên giăng giăng đồng lúa, ruộng mía, ao tôm rộng thênh thang. Tại ngã tư Chủ Chí, xã Phong Thạnh Tây Chơn, huyện Giá Rai (Bạc Liêu) từ trước năm 1992, khi chuyển dịch sản xuất sang nuôi tôm, quanh vùng đất này làm lúa 1 vụ, năng suất rất kém 12 giạ/công (khoảng 20 kg/giạ, 2,4 tấn/ha).

Anh Nguyễn Bá Đức, nông dân nuôi tôm kể: Vào những năm đầu mới chuyển dịch, thả nước mặn vào nuôi tôm trúng, tiền vô như nước. Hai ba năm gần đây, nuôi tôm quảng canh cải tiến. Mỗi khi thả tôm làm vệ sinh ao rất kỹ, nhưng tôm chết, hao hụt rất nhiều. Từ đầu năm, vuông tôm 15 công đất vừa thả sau 3 tháng thu được 15 triệu đồng, nuôi 2 vụ được chừng trên 30 triệu đồng là may lắm rồi. Trông vào ao tôm đang lúc khó khăn, chi tiêu trong gia đình 4 miệng ăn tiết kiệm lại, gia đình anh Bá Đức mở quán nước ven đường để có thêm đồng ra đồng vào.

Nhưng cùng là dân nuôi tôm nối liền Bạc Liêu về huyện Thới Bình (Cà Mau), chị Diêu ở khu vực rạch Bà Đặng đi chợ huyện chỉ mua vài món đồ cần dùng như bột giặt, dầu ăn và cái thau nhựa thật to để giặt đồ, thay cho cái thau cũ vừa lỡ tay làm bể. Hỏi chuyện làm ăn, chị than: Trong lúc tôm đang có giá, nuôi lại gặp thất bát thì lấy đâu tiền mua sắm chi xài? Nhờ có mùa lúa, một phần để ăn, phần dư ra để bán, nhưng lúa đang rớt giá!

Sức mua giảm sút

Nằm ở phía Đông Bắc, cách TP Cà Mau hơn 20 km, chợ Thới Bình nằm bên ngã ba sông Trẹm nối với đầu vàm kênh xáng Chắc Băng. Từ một chợ quê nghèo, một dãy phố cũ kỹ, ngày nay mặt bằng chợ huyện trải rộng, nhiều nhà phố ba bốn tầng, sung túc. Hàng hóa đưa về chợ theo tuyến đường bộ, đường thủy thuận lợi dễ dàng.

Chợ quá trưa nhờ mưa trời mát dịu. Mấy con đường chạy quanh hay rẽ vào chợ rộng thênh thang. Dãy hàng quán, bánh mì, trái cây bán ven phía bờ sông, bến tàu…, người bán nhiều hơn người mua. Chị Biết - chủ tiệm tạp hóa niềm nở đón khách, chị nói: “Buôn bán tháng này ngày nào mở cửa có nhiều khách là mừng. Hầu như tiệm nào cũng có mối mua hàng thân quen là bà con vùng nông thôn. Chỉ ngặt nỗi năm nay làm lúa, nuôi tôm không được như ý. Hàng hóa bán ra ế ẩm, sức mua giảm còn 40 - 50% so năm ngoái.”

Tuy nhiên, điều lạ mắt là ở phía ngoài mặt tiền phía trước nhà chợ Thới Bình có gian hàng tạp hóa Uôn Tài, người ra vào mua hàng không ngớt, chủ bán hàng không ngơi tay. Chị Quách Kim Uông, chủ tiệm tiếp chuyện vui vẻ: Hàng bán đắt nhờ đa dạng. Hơn 90% hàng tiêu dùng hàng ngày là hàng Việt có giá bán rõ ràng và nhất là nhờ mối mua hàng quen biết. Ở đây bà con làm ăn nói “Nhất tôm, nhì lúa”. Mấy năm trúng tôm người dân nông thôn mạnh tay mua sắm. Còn năm nay, tôm yếu, ngoại trừ những loại hàng thật sự cần dùng trong gia đình còn bán được. Riêng hàng rượu bia bán ra giảm thấy rõ. Có lẽ do bà con thu nhập ít nên dè sẻn chi tiêu”.

Khi hàng bán ra chậm, đến cả nhà sản xuất là các DN cũng không thể ngồi nhìn hàng tồn kho. Theo những chuyến đi, DN hàng Việt Nam liên kết, phối hợp cùng Sở Công Thương Cà Mau và chính quyền địa phương về nông thôn bán hàng, có thể nhận thấy ở một vùng đất phèn, mặn với hơn 140.000 dân, từng có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, thế nhưng một khi thị trường đầu ra nông sản gặp khó, sức mua bị ảnh hưởng giảm sút theo. Biểu hiện qua lần thứ 2 phiên chợ hàng Việt về huyện Thới Bình có 35 DN quảng bá và bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng địa phương. Đây là lần thứ 10 phiên chợ hàng Việt đến với tỉnh Cà Mau. Qua 3 ngày bán hàng, có 16.360 lượt người đến tham quan, mua sắm. Vậy nhưng doanh số bán hàng tại phiên chợ chỉ đạt 1,339 tỷ đồng triệu đồng. “Con số chưa phải là mức doanh thu chấp nhận được trong chuỗi phiên chợ về nông thôn…”, một chủ DN nhận xét.
 

Theo Hữu Đức
Nông nghiệp Việt Nam

.