leftcenterrightdel
 Theo ông Nguyễn Thanh Tú, tuân thủ pháp luật là điều kiện tối thiểu để doanh nghiệp phát triển.

Tuân thủ pháp luật để vững vàng thâm nhập thị trường

Hội nghị đối thoại do Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý và Ban Quản lý Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (Ban Quản lý Chương trình 81), Bộ Tư pháp, Báo Pháp luật Việt Nam  phối hợp tổ chức.

Phát biểu tại Hội nghị, TS. Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Phó Trưởng Ban Quản lý Chương trình 81, Bộ Tư pháp cho biết, tuân thủ pháp luật là điều kiện tối thiểu để doanh nghiệp phát triển và bước ra thế giới. Trong các Hiệp định thương mại tự do đặt ra những yêu cầu cao hơn về một số vấn đề, trong đó có môi trường. Nếu tuân thủ pháp luật Việt Nam thì có thể chưa cập nhật thế giới. Đồng thời, nhấn mạnh: "Chúng ta hướng tới giảm thiểu chi phí và rủi ro trong quá trình tuân thủ pháp luật, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp hành trang pháp lý để tự tin bước ra và khẳng định trên thị trường quốc tế".

“Chúng tôi mong muốn giúp các doanh nghiệp hiểu, không thể vì ngắn hạn mà lách luật mà phải vì lợi ích dài hạn. Bởi không tuân thủ pháp luật họ sẽ bị ảnh hưởng uy tín với xã hội, với khách hàng. Tuân thủ pháp luật, doanh nghiệp sẽ vững vàng thâm nhập thị trường, lấy được niềm tin, uy tín, triển vọng, năng lực cạnh tranh của họ.”- ông Tú cho biết thêm.

Còn theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, ở Việt Nam, tuân thủ pháp luật đang thay đổi dần, nhưng chưa thực sự phổ biến. Thực tế, cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra việc thực thi pháp luật của doanh nghiệp thì "động vào đâu cũng sai, sờ vào đâu cũng sai". Doanh nghiệp nước ngoài sẽ ít hơn, nhất là các tập đoàn đa quốc gia, hiện tượng này hầu như không có, trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Việt dễ thỏa hiệp và chấp nhận “bôi trơn”. Ông Tú cho rằng, thực tế việc quản lý tuân thủ pháp luật ở Việt Nam thường "nắm người có tóc". Ví dụ, quản lý an toàn thực phẩm, mới "siết" doanh nghiệp có trụ sở lớn, còn thực phẩm vỉa hè chưa xử lý triệt để.

Dưới góc nhìn doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Minh Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội nữ doanh nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Âu Việt chia sẻ, hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay đã tạo ra hành lang cho các doanh nghiệp, doanh nghiệp rất cần có hành lang pháp lý đầy đủ để hoạt động.

Tuy nhiên, theo bà vẫn còn các nội dung quy định pháp luật còn bất cập so với thực tế. Hiện như doanh nghiệp của tôi đang gặp không ít vướng mắc khi tuân thủ các quy định pháp luật. Do đó, bà mong muốn các quy định pháp luật mang tính thực thi cao, đi vào hệ thống doanh nghiệp một cách đơn giản, cụ thể, để doanh nghiệp hạn chế nhiều chi phí không tên.

leftcenterrightdel
 Đại diện doanh nghiệp phát biểu ý kiến tại Hội nghị.

Ông Nguyễn Duy Lãm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp ghi nhận những ý kiến doanh nghiệp. Ông Lãm chia sẻ, chính sách rõ ràng là có. Chính phủ ngày càng quan tâm doanh nghiệp với các chính sách hỗ trợ quá tốt. Nhưng vấn đề cần là hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực thi. Tôi rất mong các cơ quan quản lý chủ động hỗ trợ cho doanh nghiệp nhiều hơn. Chúng ta phải có chế tài đủ mạnh để doanh nghiệp tuân thủ đúng pháp luật. Cán bộ phải gương mẫu, tự giác, làm đúng tinh thần trách nhiệm. Phải đồng thời cải thiện từ hai phía, cả người thực thi pháp luật và cơ quan quản lý.

Doanh nghiệp vẫn khó khăn khi làm thủ tục

Theo phản ánh của đại diện các doanh nghiệp, tinh thần của Chính phủ rất tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, song có những trường hợp, bộ phận quá trình thực thi của các cơ quan lại gây cản trở cho doanh nghiệp.

Ông Phan Lâm, Trưởng Ban Biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển, Viện Nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế ASEAN cho rằng, để doanh nghiệp tuân thủ pháp luật thì quan trọng phải có hành lang pháp lý thông thoáng, kiến tạo cho doanh nghiệp phát triển, hội nhập quốc tế. Đơn vị quản lý, giám sát doanh nghiệp thực thi pháp luật phải kịp thời "gỡ vướng", hỗ trợ doanh nghiệp.

Vừa qua, nhiều doanh nghiệp lúng túng trong thực hiện các quy định đăng kiểm, hoặc phòng cháy chữa cháy. Hàng nghìn doanh nghiệp làm dịch vụ phải đóng cửa hoặc tạm đóng cửa vì không đáp ứng yêu cầu phòng cháy, chữa cháy. Thực tế này cần cơ quan quản lý phải tìm hiểu, nhận thấy doanh nghiệp đang vướng mắc như thế nào để tháo gỡ cho doanh nghiệp. Đồng thời, chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật, có chế tài đủ mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ có trách nhiệm trong giải quyết công việc, giải quyết các yêu cầu của doanh nghiệp.

Chia sẻ thêm về những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, bà Phạm Thị Giang, Giám đốc Công ty TNHH Thuế Việt Luật cho biết, là doanh nghiệp, chuyên tư vấn cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, bà cũng ghi nhận một số phản ánh của doanh nghiệp. Cụ thể, trong lĩnh vực thuế, theo phản ánh của doanh nghiệp, việc thay đổi cán bộ quản lý địa bàn luân phiên của ngành Thuế là tốt, song cũng gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp vừa mới kiểm tra nhưng khi cán bộ mới tiếp nhận lại yêu cầu doanh nghiệp mang hồ sơ trụ sở đến kiểm tra, điều này gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, thủ tục mua hóa đơn hộ kinh doanh cũng gặp khó khăn, có trường hợp đến Chi cục thuế đến 10 lần nhưng không mua được. Theo đó, mỗi 1 lần cán bộ thuế nói 1 lí do khác nhau, 10 lần là 10 lí do khác nhau trong cùng 1 hồ sơ. Sau đó, hộ kinh doanh này đã phải phản ánh với đường dây nóng của Cơ quan thuế thì vài hôm sau được hướng dẫn chi tiết...

Còn theo đại diện doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu chia sẻ về vướng mắc trong quá trình làm thủ tục hải quan. Cụ thể, doanh nghiệp nhập hàng từ nước ngoài về có đầy đủ giấy tờ, có những lần về không vấn đề gì nhưng có những lần về thì Hải quan yêu cầu phải ghi tên từng hạng mục 1, từng cục hàng thì doanh nghiệp lại phải gửi sang nước ngoài. Bên nước ngoài phản ánh, xuất đi các nước không sao nhưng sao Việt Nam lại thế, sao không yêu cầu ghi từ đầu.

Có lần chủ đầu tư yêu cầu phải mang hàng lên luôn nếu chậm bị phạt, nhưng làm thủ tục thì phải mất 10-15 ngày mới xong, doanh nghiệp phải giải trình rất nhiều, đi lại nhiều lần. Doanh nghiệp bày tỏ mong muốn thủ tục hải quan thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, bởi thời gian COVID vừa qua, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Hoặc có lần, chủ đầu tư không yêu cầu ghi mác của Công ty lên đó để ghi theo sản phẩm của họ nhưng Quản lý thị trường kiểm tra bắt buộc doanh nghiệp phải ghi, trong khi hóa đơn, chứng từ của doanh nghiệp đã đầy đủ, xưởng sản xuất đều có, bị lỡ đơn hàng và doanh nghiệp chấp nhận bị phạt...

Nguyễn Anh