(BVPL) - Trước thông tin: số tiền chênh lệch rơi vào túi các doanh nghiệp đầu mối do chênh lệch thuế xăng dầu lên đến 3.500 tỷ đồng, tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Bộ Tài chính trần tình thực chất số tiền chênh chỉ là 254 tỷ đồng. Những con số trên dù đang tiếp tục được làm rõ nhưng có một điều chắc chắn rằng: người tiêu dùng đã chịu thiệt thòi lớn. Nó đồng thời cho thấy cách làm việc tắc trách của các cơ quan quản lý nhà nước - một cách làm việc nguy hiểm khi mà nền kinh tế đang ngày một hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới.

 


Thực tế, các doanh nghiệp xăng dầu đã sớm nhận ra vấn đề chênh thuế này khi cơ cấu nguồn nhập khẩu chuyển dịch nhanh chóng từ các nước khác sang ASEAN và Hàn Quốc trong năm 2014, 2015 và 2016. Nếu năm 2014, Việt Nam chỉ nhập chưa đến 50% từ nguồn ASEAN thì con số đã tăng nhanh tới 73% trong 2 tháng đầu năm 2016. Thậm chí, nếu tính tổng nguồn nhập của ASEAN và Hàn Quốc trong tháng 1/2016, con số sẽ chiếm tới hơn 90%. Như vậy, nếu lấy thời điểm tháng 1/2016 thì có tới 90% lượng xăng dầu trên thị trường được các doanh nghiệp nhập khẩu theo thuế ưu đãi thấp rồi khi bán ra thị trường lại tính mức thuế cao vào giá bán để người tiêu dùng gánh. Thế nên mới sinh ra khoản chênh lớn đổ vào túi doanh nghiệp.

Trước bức xúc của dư luận về chênh lệch thuế giữa đầu ra với đầu vào khiến doanh nghiệp xăng dầu hưởng lợi còn người mua xăng chịu thiệt, vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 48/2016 về việc sửa đổi biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng dầu. Theo đó, từ ngày 18-3, thuế nhập khẩu xăng khoáng và xăng sinh học vẫn giữ nguyên ở mức 20%; dầu diesel giảm từ 10% xuống 7% và dầu hỏa giảm từ 13% xuống 7%. Sự điều chỉnh là cần thiết, nhưng điều mà người dân quan tâm là số tiền chênh mà các DN đã trục lợi từ xăng dầu sẽ được giải quyết thế nào?

Chưa có phương án hoàn trả cho người tiêu dùng

Tính đến thời điểm này, chưa có Bộ nào đứng ra nhận trách nhiệm về việc để cho doanh nghiệp trục lợi và cũng chưa có phương án hoàn trả lại cho người tiêu dùng.

Theo ông Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế: Vấn đề hiện nay là hậu quả đã xảy ra rồi thì vấn đề làm thế nào để giải quyết lợi ích hài hòa là việc hết sức quan trọng. Cái thiệt hại, cái mất ở đây là đối với người tiêu dùng bởi vậy nên đưa nó về cho người tiêu dùng cho vào quỹ bình ổn.
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng nên lấy giá chênh lệch thuế mà doanh nghiệp xăng dầu đã được hưởng để bù giá xăng và không được tăng giá xăng cho đến khi lấy lại hết số tiền chênh lệch này. Đến khi nào hết số tiền này mới tính đến việc bù giá từ Quỹ bình ổn xăng dầu, bởi suy cho cùng tiền từ chênh lệch thuế mà các công ty xăng dầu hưởng lợi cũng như quỹ bình ổn đều là tiền của người tiêu dùng ứng trước.

Từ câu chuyện giá xăng dầu này các chuyên gia cũng cho rằng, đây là sai sót của cơ quan quản lý Nhà nước khi tạo ra lỗ hổng trong chính sách, sự thiếu chặt chẽ khi văn bản thì nhiều nhưng lại không phù hợp và cập nhật với thực tiễn. Đây là bất cập lớn cần được nhìn nhận và rút kinh nghiệm khi Việt Nam sẽ hội nhập sâu rộng hơn trong thời gian tới.

Sự đa dạng hàng hóa, mức độ áp thuế khác nhau đang đặt ra bài toán mới về năng lực, trách nhiệm, sự phân công và chế tài cho các vi phạm để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hài hòa lợi ích nhà nước – doanh nghiệp và người dân.

Theo ông Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính- Học viện Tài chính: Các cơ quan nhà nước cần theo dõi sát tình hình hơn và các thông tin cần minh bạch hơn để người tiêu dùng nắm được vấn đề đó. Một khi cơ quan nhà nước không phát hiện ra nhưng người dân và các chuyên gia có thể phát hiện được, việc công khai hóa và minh bạch hóa thông tin sẽ khiến lợi ích cũng được đảm bảo hài hòa.

Trong hội nhập kinh tế quốc tế có lẽ cái lợi nhất chính là lợi về thuế vì có rất nhiều mặt hàng chỉ có thuế suất bằng 0, chính vì vậy trong thời gian tới, chúng ta cần có lộ trình cụ thể và đặc biệt phải tạo ra một thị trường cạnh tranh thực sự để người dân có thể được hưởng lợi từ việc giảm thuế nhiều mặt hàng, chứ không chỉ là xăng dầu.
 

Thu Trần

.