Thay vì mang đi cùng rác thải, các vựa chuyển phần rau dập nát, hư hỏng, sâu... sang tận dụng làm thực phẩm cho người.
|
Các vựa rau ở chợ đầu mối Thủ Đức tách bỏ những lá bắp cải hư, sâu bỏ đi - Ảnh: TNO |
|
Sau đó được nhóm công nhân của Trung thu gom và phân loại |
|
Nguyên liệu bắp cải dạt sau khi chế biến, gia tẩm màu - Ảnh: TNO |
|
Và đóng gói nhãn hiệu Tân Liên Hưng - Ảnh: TNO |
Mua rau dạng này rẻ. Gần đây, các cơ sở sản xuất thực phẩm thu mua với giá cao hơn nên tụi em không còn hàng để bán cho các bếp ăn công nghiệp
|
Ở chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (Q.Thủ Đức, TP.HCM), hằng đêm có một số người chuyên gom một lượng lớn lá bắp cải loại hàng dạt (dập, héo úa, sâu, hư) được các vựa rau thải ra; rồi phân loại và bán cho những cơ sở chế biến thực phẩm!
Vào một đêm khuya, PV Thanh Niên chứng kiến 2 thanh niên ra sức gom những đống lá bắp cải bỏ đi gần đống rác thải ở chợ, bốc mùi hôi thối. Ngoài ra, còn có 3 cô gái ngồi phân loại lá già, lá non để riêng. Trong vai những người thu mua lá bắp cải dạng bỏ đi, chúng tôi được một cô gái chào mời: “Các anh muốn mua loại lá già hay non? Lá già thì về cho heo và cá ăn; còn lá non thì có thể chế biến cho công nhân ăn, hoặc sơ chế thành những loại thực phẩm khác nhau”. Lá già được bán với giá 10.000 đồng/giỏ khoảng 10 kg, lá non 3.000 đồng/kg. Thấy chúng tôi có vẻ e ngại, cô gái trấn an: “Yên tâm đi, bọn em làm ở đây lâu lắm rồi, bán không biết bao nhiêu mối. Người ta mua về làm thức ăn, làm thực phẩm có sao đâu, ai mà biết. Nếu mua lâu dài, ông chủ em sẽ giảm giá và có xe chở đến tận nơi”.
Qua tìm hiểu, được biết, người “điều hành” việc thu gom thứ nguyên liệu này có tên là Trung, ngoài 30 tuổi và hành nghề này nhiều năm nay. Công nhân làm thuê cho Trung còn cho biết có những nơi mua lá bắp cải này về xào nấu cho công nhân ăn. “Hồi trước bọn em hay bỏ mối cho các nhà ăn tập thể ở khu vực Q.Thủ Đức, và Bình Dương, mà có thấy công nhân nào ngộ độc đâu! Mua rau dạng này rẻ. Gần đây, các cơ sở sản xuất thực phẩm thu mua với giá cao hơn nên tụi em không còn hàng để bán cho các bếp ăn công nghiệp”, một công nhân lựa rau thải ở chợ đầu mối Thủ Đức nói.
PV Thanh Niên còn ghi nhận nhiều lần chiếc xe tải BKS 51C-25... tới địa điểm của Trung nhận những bao tải đựng lá bắp cải dạng phế thải nói trên rồi đưa đến một cơ sở chế biến thực phẩm trên đường Khuông Việt (P.Phú Trung, Q.Tân Phú, TP.HCM).
Đóng cửa lò “cải bắp thảo”
Cuối tháng 10 vừa qua, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM phối hợp cùng Sở NN - PTNT và Phòng Y tế Q.Tân Phú kiểm tra cơ sở chế biến thực phẩm có tên Tân Liên Hưng, địa chỉ 307/2 (số cũ 213/58/1B) đường Khuông Việt (P.Phú Trung, Q.Tân Phú), do ông Đặng Cẩm Biếu làm chủ.
Làm việc với đoàn kiểm tra, ông Biếu cho biết mua lá bắp cải hàng thải ở chợ đầu mối Hóc Môn, thi thoảng có lấy thêm hàng ở chợ khác. Bình quân mỗi ngày cơ sở của ông mua trên dưới 1 tấn, với giá giao hàng tại cơ sở là 700 đồng/kg. Cứ 3 kg rau thì làm ra được 1 kg sản phẩm có tên là “cải bắp thảo”, dùng ăn kèm với các món như xôi, hủ tiếu, bún, dùng nấu nước lèo... Rau sau khi đưa về cho vào máy cắt nhuyễn gần giống với hành phi, rồi ngâm nước muối, phèn chua, tẩm màu (như màu cà rốt), vô bịch, hoặc vô hũ, đem bỏ mối. Qua kiểm tra thực tế, có ngày cao điểm, cơ sở ông Biếu lấy đến 1,2 tấn rau thải dạng trên. Đoàn kiểm tra ghi nhận nguồn nguyên liệu đầu vào (rau phế thải) có mùi hôi thối; sọt chứa rau nguyên liệu ẩm mốc; thiếu phương tiện rửa và khử trùng tay cho nhân viên sản xuất... và đã buộc ông Biếu ngưng hoạt động. Thanh tra Sở Y tế cũng lấy mẫu sản phẩm để kiểm nghiệm.
Cùng thời điểm, Thanh tra Sở Y tế TP kiểm tra cơ sở đóng gói sản phẩm “cải bắp thảo” của ông Biếu ở đường Lạc Long Quân và yêu cầu tạm ngưng hoạt động.
Theo Thanh niên