Nhiều phụ huynh dùng võng để ru ngủ trẻ và nghĩ rằng bé rất thích. Tuy nhiên, điều này dễ gây tổn thương não thậm chí có thể khiến trẻ bị tử vong.
Ngoài ra, còn có nhiều gia đình dùng võng cho bé ngủ vì bé có khó tính đến đâu, khóc lóc dữ dội đến mấy thì đưa lên võng cũng nín. Bé càng khóc, người giữ bé càng đưa mạnh võng, tốc độ cao khiến bé thiếp đi. Nhưng khi ngủ trong hoảng sợ, giấc ngủ của bé sẽ chập chờn không ngon. Một bà mẹ trẻ tâm sự: “Bé nhà mình khó ngủ, “quậy” khóc kinh lắm, mỗi lần ngủ phải lắc võng thật mạnh bé mới thiếp đi… nhưng gần đây bé hay giật mình, hai tay chới với và ngày càng cáu gắt…”. Việc ngủ trong hoảng sợ, giấc ngủ không sâu, nhiều ác mộng về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
BS Trần Duy Tâm, BV Tâm thần TP.HCM cũng cho biết thêm: “Trẻ nằm võng còn được chèn gối hai bên để tránh té ngã. Nhiều nhà đặt thêm thanh ngang bên trên võng khiến trẻ không ngọ nguậy được đầu, trong khi đó, xương sọ bé mềm, dễ bị móp, dẹp... ảnh hưởng đến phát triển não bộ”.
Não là trung tâm chỉ huy mọi hoạt động, trong đó có cả thần kinh thị giác, trung khu ngôn ngữ… Tổn thương não có thể xảy ra tức thì nhưng cũng có khi đến năm-sáu tuổi mới phát hiện như: nhìn mờ, mù, động kinh, kém thông minh, yếu liệt chân tay… Vì vậy, việc lắc võng quá mạnh sẽ gây ra rất nhiều nguy hại cho não trẻ, thậm chí còn có thể gây tử vong trong những trường hợp nghiêm trọng.
Tiến sĩ Nguyễn Công Nghĩa, Trưởng phòng nghiên cứu khoa học, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cảnh báo: "Lắc võng mạnh khiến trẻ bị hội chứng rung lắc, một dạng nặng của chấn thương đầu và não. Trên thế giới hội chứng này không mới, tuy nhiên tại Việt Nam nhiều người, thậm chí là bác sĩ chưa nghe nói đến hội chứng này".
Hội chứng này thường xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi, thậm chí là ở trẻ 5 tuổi, trong đó gặp nhiều nhất ở trẻ 9 tháng tuổi. Tại Mỹ, theo thống kê hàng năm có khoảng 1.200-1.400 trẻ bị chấn thương não và tử vong do rung lắc.
Các nghiên cứu cho thấy những tổn thương có thể xảy ra chỉ với 5 giây rung lắc, thậm chí là 3 giây. Tuy nhiên, bằng mắt thường nhìn từ bên ngoài sẽ rất khó có thể phát hiện những tổn thương này, trừ trường hợp nặng. Chỉ khi trẻ lớn những tổn thương này mới được phát hiện. Khi đó trẻ có thể bị chậm phát triển trí tuệ, thị lực kém, rối loạn hành vi nói và nghe, động kinh, tổn thương kỹ năng định hướng và nhận thức...
Khi thấy trẻ có những biểu hiện như bị kích thích mạnh, đờ đẫn, ngủ mê mệt, da xanh tái, ăn, bú khó, khó nuốt hoặc nôn không có lý do rõ ràng, khó thở, cứng cổ, nghẹo về một bên.. thì cần gọi cấp cứu ngay. Đồng thời, không tìm cách vận chuyển trẻ tới bệnh viện trên các phương tiện thông thường, không bế xốc trẻ lên hay cố gắng lắc thêm để trẻ tỉnh lại, tiến sĩ Nghĩa cho biết.
Bên cạnh đó, cho bé nằm võng cũng không tốt đối với cột sống. Bệnh cong vẹo cột sống ở trẻ là một trong những bệnh tương đối phổ biến, và nguyên nhân chính dẫn đến bệnh này là do việc nằm võng thường xuyên. Chiều cong của võng sẽ tác động lên cột sống vốn rất mềm, và chưa được vôi hóa của trẻ. Điều này có thể kéo theo việc bé bị gù lưng khiến lồng ngực không thể nở được dẫn đến tim, phổi cũng không thể hoạt động tốt.
Một tác động không mong muốn nữa khi bé nằm võng thường xuyên là cản trở quá trình phát triển não và cơ bắp. Trẻ nhỏ, đặc biệt là ở giai đoạn 3, 4 tháng tuổi, cơ thể cần được hoạt động, quơ tay quơ chân, và bắt đầu tập lẫy, lật. Tất cả những hoạt động này cần phải có sự lưu thông máu đầy đủ lên não, giúp não phát triển tốt hơn. Nếu đặt nằm võng thường xuyên, bé sẽ khó vận động và không thể lẫy được. Chưa kể, nếu bé cố tập lẫy trên võng sẽ dễ bị ngã và gặp nguy hiểm. Vì vậy, các bậc cha mẹ nên hết sức thận trọng khi đặt trẻ nằm võng.
Theo VietQ