(BVPL) - Tình trạng xâm nhập mặn đang xảy ra trên diện rộng ở khu vực Nam bộ khiến diện tích lúa Đông Xuân giảm mạnh, nhiều vùng không gieo cấy được. Nước ta vốn là một nước nông nghiệp, do đó vấn đề lương thực nói chung, đảm bảo an ninh lương thực nói riêng là nhiệm vụ trọng yếu. Hiện nay, vấn đề an ninh lương thực chưa bị ảnh hưởng nhưng chúng ta vẫn cần có những giải pháp dự phòng để chuẩn bị cho các mùa vụ tiếp theo.

 


Đánh giá tình hình phát triển nông nghiệp thực tế, Bộ NN&PTNT cho biết, vấn đề ANLT của chúng ta hiện nay vẫn đảm bảo vì mỗi năm chúng ta vẫn thừa 7 – 8 triệu tấn gạo để xuất khẩu. Tuy nhiên, về lâu dài thì chúng ta vẫn phải tính toán, cân nhắc để đề phòng cho những mùa vụ tiếp theo. Vấn đề đầu tiên có lẽ phải bàn tới là vấn đề thích nghi với biến đổi khí hậu, với tình trạng suy giảm đất sản xuất nông nghiệp (do đất đai bị thoái hóa, bị ô nhiễm, nguồn nước bị cạn kiệt..).

Theo các chuyên gia nông nghiệp, để thích ứng với biến đổi khí hậu, thì ngoài việc phát triển các giống lúa chịu mặn, ngắn ngày, đối với những vùng đất ngập mặn thì chúng ta có thể xen canh lúa với nuôi tôm, lúa với nuôi cá đề phù hợp với điều kiện tự nhiên. Một số vùng bị xâm nhập mặn thường xuyên, không giống lúa hay cây trồng nào có thể chịu đựng được thì phải quy hoạch để chuyển hẳn sang nuôi thủy sản. Thực tế, một số tỉnh đã có kiến nghị chuyển thành một vụ lúa, một vụ tôm, hoặc chuyển hẳn sang nuôi thủy sản, gia cầm. Nhiều vùng ở ĐBSCL đã áp dụng phương pháp này và thu được kết quả khả quan hơn cả trồng lúa.

Cũng liên quan đến việc giảm diện tích đất trồng lúa, mới đây Chính phủ đã đề nghị Quốc hội về việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, trong đó đề xuất sẽ giảm diện tích đất trồng lúa khoảng 400.000 ha.

Giảm lượng xuất khẩu lúa gạo

Theo các nhà khoa học, để đảm bảo an ninh lương thực, cần tiếp thu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trên lĩnh vực nông nghiệp để nâng cao năng suất, chuyển đổi và đa dạng hóa cơ cấu giống, cây trồng, vật nuôi, tăng nhanh sản lượng, giảm tổn thất khi thu hoạch, có giải pháp cho bảo quản lương thực và cân đối việc xuất khẩu lúa gạo.

Bên cạnh đó, trên cơ sở cân đối cung cầu lúa gạo, lượng lúa gạo dành cho xuất khẩu sẽ giảm dần theo từng năm từ nay đến năm 2030. Cụ thể, Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp đã đưa ra 4 kịch bản với 6 phương án cho ANLT quốc gia từ nay tới năm 2030. Trong đó, đáng chú ý nhất là kịch bản đầu tiên: nếu chúng ta duy trì được diện tích trồng lúa 3,8 triệu hecta, năng suất 7 tấn/ha và mức tiêu dùng là 100kg/người/năm thì tiêu thụ trong nước chỉ hết khoảng 10 triệu tấn gạo, còn lại dành để xuất khẩu (XK) trên 12 triệu tấn. Riêng với kịch bản 4 hay gọi là tình huống xấu nhất, cho dù diện tích đất trồng lúa chỉ còn 3 triệu hecta, năng suất lúa 5,8 tấn/ha và tiêu dùng là 120kg/người/năm thì sản lượng lúa vẫn đạt gần 32 triệu tấn, lượng gạo tiêu thụ xấp xỉ 13 triệu tấn và như vậy, nước ta vẫn có thể xuất khẩu được 1,2 triệu tấn.

Ngoài ra, để ứng phó với sự biến đổi khí hậu, theo các chuyên gia nông nghiệp, cần nghiên cứu để thay đổi thời gian gieo hạt và thu hoạch cho phù hợp với đặc điểm thời tiết hiện nay. Việc thay đổi giống cũng được đặc biệt quan tâm nhằm tìm ra những giống cây có thể thích nghi với hạn hán và thiếu nước. Tuy nhiên, hiện nay, giải pháp cần thiết trước mắt là tập trung tu bổ, thiết kế, phát triển hệ thống thủy lợi và tưới tiêu phù hợp để đối phó với sự thay đổi bất thường của thời tiết…
 

Bắc Hữu

.