“Thông minh như thế mà tại sao làm những chuyện như thế, nói thực là tôi không hiểu”, Phó chủ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hữu Dũng nói tại cuộc gặp gỡ báo chí sáng 5/7.
Nội dung trao đổi tại cuộc gặp gỡ này đã cho thấy sự khó hiểu về không ít ứng xử của cơ quan quản lý nhà nước trước nguy cơ chưa kịp lớn có thể đã chết yểu của nghề nuôi cá tầm, được cho là có nhiều triển vọng tại Việt Nam.
Khó hiểu thứ nhất, theo quan chức VASEP nói trên, do Việt Nam trước đây không có cá tầm giống bản địa, nên khi nhập ngoại phải có thủ tục nuôi thử nghiệm một thời gian sau đó mới có giấy phép lưu hành trong nước một cách hợp pháp. Nhưng, "khổ một nỗi, trong 27 loài cá tầm thì ở Việt Nam mới có giấy phép cho nuôi một loài thôi, mà loài này chả có giá trị gì cả, là loài cá tầm Trung Hoa", ông Dũng nhấn mạnh.
Trong khi đó, vẫn thông tin từ cuộc gặp gỡ báo chí trên cho thấy, tại Việt Nam các giống cá tầm được nuôi hầu hết nhập về từ Nga hoặc châu Âu. Chẳng hạn, vào năm 2010, giống cá tầm Beluga lần đầu tiên được Tập đoàn Cá tầm Việt Nam nhập vào Việt Nam, tạo nên đàn cá Beluga lớn nhất thế giới hiện nay. Từ tháng 4/2012, tập đoàn này đã nhân giống thành công giống cá tầm Osetra từ đàn cá bố mẹ nuôi ở Việt Nam. Và đến nay tại Tây Nguyên, nhiều trang trại và doanh nghiệp đang nuôi giống cá này, Chủ tịch Tập đoàn Cá tầm Việt Nam Lê Anh Đức cho biết.
Khẳng định giống cá tầm nhiều doanh nghiệp trong nước đang nuôi có thể mang lại giá trị kinh tế rất cao, song theo ông Dũng thì vì đang nuôi thử nghiệm, nên không thể phát tán rộng rãi, vì chưa được phép lưu hành.
“Hiện nay ngoài loài cá tầm Trung Hoa thì tất cả đều phải xin phép, mà cá tầm Trung Hoa thì chả ai nuôi cả”, ông Dũng than thở.
Chủ tịch Hiệp hội Nuôi cá nước lạnh Việt Nam, ông Trần Hào cũng tỏ ra ngạc nhiên, khi trong danh mục chính thức, cá tầm Trung Quốc thì có phép mà cá tầm Nga thì không, trong khi cá tầm Nga đã nuôi cả chục năm rồi.
Nhưng đó chưa phải là khó khăn lớn nhất.
Tại buổi gặp gỡ báo chí, ông Trần Yên, theo lời ông tự giới thiệu, là người nuôi cá tầm đầu tiên ở Việt Nam, hiện là Giám đốc Công ty Thủy sản Tây Bắc, đã rất bức xúc khi kể lại một câu chuyện liên quan đến sự đe dọa của cá tầm Trung Quốc với cá tầm Việt Nam.
"Đầu tháng 5/2013, tôi có phát hiện tại tỉnh Lai Châu một cơ sở nhập cá tầm giống Trung Quốc về Việt Nam và đưa cả người Trung Quốc về nuôi, như vậy là trái công ước quốc tế", ông Yên cho biết. Sau khi báo cáo cả chính quyền xã, huyện và Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu mà vẫn không nhận được ý kiến gì, ông đã viết thư cho một vị thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Vị thứ trưởng này bèn cho biết, sẽ cử đoàn thanh tra của Tổng cục Thủy sản lên làm việc.
Sau đó, đoàn có lên làm việc, nhưng đến ngày 27/5, trong buổi họp tại Hà Nội thì Tổng cục Thủy sản vẫn chưa có ý kiến gì. Đến ngày 29/5, ông Yên đã gửi thư cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, thư đó lại được chuyển về Tổng cục Thủy sản, và đến ngày 11/6/2013, Tổng cục liền có công văn đề nghị ông Yên về làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh... Long An.
“Tôi thực sự không hiểu được, tôi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An để làm gì?”, ông Yên nói.
Vị giám đốc này cũng không giấu được bức xúc, khi đề cập đến hiện tượng một số người Việt Nam mang cá tầm Trung Quốc về “rửa” tại trang trại được lập ở Việt Nam, sau đó chuyển đi tiêu thụ tại thị trường nội địa.
"Tôi biết một trường hợp tại Cao Bằng, ao nuôi chỉ có 400 - 500 m2, mà mỗi năm xuất hàng trăm tấn cá tầm có đầy đủ giấy tờ", ông Yên quả quyết.
Các ý kiến từ Hội Nghề cá Việt Nam và các chủ doanh nghiệp đang trực tiếp sản xuất cũng hết sức lo ngại, khi cá tầm Trung Quốc được nhập lậu vào Việt Nam bằng nhiều con đường đang gây tác động tiêu cực đến cả người sản xuất và người tiêu dùng trong nước, bởi giá rẻ hơn rất nhiều nhưng chất lượng kém.
Khẳng định mỗi ngày vẫn có ít nhất 3 đến 5 tấn cá tầm nhập lậu được chuyển vào Tp.HCM qua đường hàng không. Lượng hàng này chỉ đi qua cửa khẩu và sân bay Nội Bài, và chỉ có một hãng hàng không là Vietnam Airlines được vận chuyển mà tại sao vẫn chưa ngăn chặn được thì “tôi thực sự không biết”, ông Đức trả lời câu hỏi về tiến độ lập trạm kiểm dịch tại sân bay để ngăn cá tầm nhập lậu.
"Mình không nên trách người Trung Quốc, bởi chính người Việt Nam nhập lậu cá tầm về bán, thậm chí có doanh nghiệp trong hiệp hội cũng nhập", ông Trần Hào, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi cá nước lạnh Việt Nam giãi bày.
Quay trở lại câu chuyện quản lý, hầu hết các ý kiến đều khẳng định đây không phải là việc quá khó. Theo ông Dũng, chỉ cần áp dụng quy định truy xuất nguồn gốc thực phẩm cho cá tầm trên thị trường nội địa. Vì người mua cá ở chợ có thể không biết nguồn gốc nhưng người bán cá tầm cho bà bán cá phải biết họ lấy ở đâu.
Về trường hợp công ty mà ông Yên phát hiện mang cá tầm Trung Quốc về Việt Nam, Phó chủ tịch VASEP nói: “Chúng tôi chỉ đề nghị ông thanh tra của Bộ hỏi công ty kia về giấy tờ nhập cá ở đâu, qua cơ quan nào, cỡ cá là bao nhiêu. nhập ngày tháng năm nào thì ra ngay, nhưng cái khó hiểu nhất là Bộ không làm những chuyện đó”.
Theo Nguyễn Lê
TBKTVN