Số lượng dòng sản phẩm sữa bị áp giá trần theo quy định của Bộ Tài chính là 141 dòng sản phẩm, chứ không phải 25 mặt hàng như danh mục công bố ban đầu của cơ quan này.
 
 
Vì thế, Bộ Tài chính xác định có 141 dòng sản phẩm sữa đã thực hiện áp giá trần bán buôn từ 11/6 và giá bán lẻ từ 21/6. Giá bán lẻ khuyến nghị được xác định theo từng dòng sản phẩm, không quá 15% giá trần bán buôn.
 
“Kể từ khi Bộ Tài chính công bố 141 dòng sản phẩm của 4 DN đăng ký giá áp trần giá sữa thì chưa có dòng sản phẩm nào thay đổi, cũng chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm áp giá trần”- ông Tuấn quả quyết.
 
Tuy nhiên, vị đại diện Bộ Tài chính lại thừa nhận, sau kiểm tra cũng có tình trạng doanh nghiệp thay bao bì sản phẩm, thay đổi chất lượng, trọng lượng sữa như báo chí nêu thời gian qua. Cụ thể, Công ty MeadJohnson Việt Nam công bố sản phẩm Enfamil/Enfagrow A+ 360 Brain Plus mới thay thế cho sản phẩm Enfamil/Enfagrow A+.
 
Trong một văn bản giải trình của Cục Quản lý Giá tại cuộc họp Chính phủ vừa qua, cơ quan này khẳng định, “không có cơ sở cho rằng doanh nghiệp lách giá trần bằng việc sản xuất dòng sản phẩm mới”.
 
 Còn Cục trưởng Cục Quản lý Giá nêu quan điểm, “thay đổi mẫu mã bao bì sản phẩm là quyền kinh doanh của DN, việc thay đổi này cơ quan quản lý hoàn toàn có thể kiểm soát được”-
 
Riêng với một số dòng sản phẩm cho trẻ em từ 1-10 tuổi, sau khi làm việc với Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) thì được biết, số sản phẩm trên không phải là sữa mà chỉ là thực phẩm bổ sung vi chất cho trẻ em. Do đó, các sản phẩm này không nằm trong danh mục buộc phải áp giá trần, không phải kê khai, đăng ký giá với Bộ Tài chính.
 
Cục trưởng Cục Quản lý Giá khẳng định, sẽ tiếp tục theo dõi tình hình, phối hợp với Cục An toàn thực phẩm “giải mã” những khuất tất trong các “chiêu” lách luật của DN. Nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý ngay và công khai trên báo chí.
 
Như Infonet đã đề cập ở các bài viết trước đây, qua khảo sát thị trường một số sản phẩm sữa ngay trước thời điểm bị áp giá trần doanh nghiệp đã “nhanh chân” thay đổi bao bì sản phẩm và công bố “ra mắt sản phẩm mới” và giá bán cao hơn nhiều so với dòng sữa cùng loại.  
 
Tuy  vậy, quan sát đối chiếu công thức sữa bao bì mới (Enfamil A+ 360* Brain Plus) và bao bì cũ (Enfamil), dễ dàng nhận thấy sản phẩm mới không hề có đột phá, khác biệt nào về công thức. Cơ bản, hàm lượng các thành phần không thay đổi hoặc có thay đổi không đáng kể. Đáng nói, giá sản phẩm với chiếc “áo” mới cao hơn dòng sản phẩm bao bì cũ tới 100.000 đồng/hộp, tùy trọng lượng. Với chiêu “né” tinh vi này của doanh nghiệp kinh doanh sữa, người tiêu dùng vẫn buộc phải mua sữa cho con em mình với giá cao, chứ không phải giảm như kỳ vọng.
 
Theo Infonet