(BVPL) - Việt Nam là thành viên chính thức của nhiều thiết chế thương mại khu vực và thế giới, điều này đồng nghĩa với việc chúng ta phải sẵn sàng chấp nhận một sân chơi, luật chơi chung, bình đẳng với mọi nước khác. Tuy nhiên, trước việc thu mua, chèn ép, cạnh tranh không lành mạnh của một số thương nhân nước ngoài cùng hệ thống phòng vệ rất mạnh, chặt chẽ của các nước như: việc kiện doanh nghiệp bán phá giá, hoạt động mua bán qua đường biên giới thì vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp Việt trong các trường hợp này là vô cùng cần thiết.

 


Các biện pháp hành chính trong quản lý ngoại thương là những nội dung sẽ liên quan trực tiếp đến việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho khu vực doanh nghiệp. Vì vậy, chưa thể hiện được cơ chế áp dụng trên thực tế và chủ yếu sẽ do Bộ Công thương hoặc Chính phủ quyết định. Do đó, việc áp dụng trên thực tế sau này hoàn toàn phụ thuộc vào các văn bản hướng dẫn dưới luật. Ví dụ, biện pháp tạm ngừng xuất, nhập khẩu quy định ngoài nội dung về phạm vi mặt hàng thì về cách thức áp dụng có quy định trong trường hợp cần thiết theo chỉ đạo, điều hành của cơ quan có thẩm quyền và thẩm quyền thì ở đây sẽ do Bộ Công thương quyết định trên cơ sở lấy ý kiến của các bộ, ngành. Như vậy sẽ không rõ được biện pháp tạm ngừng xuất, nhập khẩu sẽ được thực hiện theo cơ chế nào, khi nào thì áp dụng, khi nào thì sẽ kết thúc.

Tương tự, đối với biện pháp chỉ định cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu thì được quy định nhằm đáp ứng các yêu cầu về quản lý, kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu, chống chuyển tải bất hợp tác, chống gian lận thương mại v.v... Bộ Công thương quyết định công bố hàng hóa và cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tương ứng. Như vậy, sẽ không rõ được các hàng hóa qua cửa khẩu chỉ định này được xác định theo những tiêu chí nào, có thể ở đây sẽ là những hàng hóa xuất, nhập khẩu có điều kiện, phải đáp ứng các tiêu chuẩn về kỹ thuật chuyên ngành. Nếu như vậy thì những nội dung này cần được tổng hợp trên cơ sở ý kiến của các bộ quản lý chuyên ngành hơn là do Bộ Công thương quyết định.

Hiện tại, chưa có tiêu chí, điều kiện để xác định được cửa khẩu nào tương ứng cho các hàng hóa này, có thể đây sẽ là các tiêu chí về điều kiện, cơ sở vật chất về phương tiện kỹ thuật, nhân sự chuyên môn. Nếu như vậy nên để cho Tổng cục hải quan quyết định, đặc biệt đối với biện pháp quản lý theo giấy phép và điều kiện. Chỉ cần quy định các nguyên tắc chung là phải đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm thời gian. Hiện cũng chưa có đạo luật hiện hành nào quy định tiêu chí để xác định những mặt hàng nào thì phải quản lý theo giấy phép, tổ chức nào được cấp phép và số lượng hàng hóa được cấp phép là bao nhiêu.

 Do đó, một số ý kiến cho rằng để môi trường kinh doanh được rõ ràng, thông thoáng và nhất là để công bằng cho các doanh nghiệp thì chỉ quy định những mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa cấm xuất nhập khẩu, nhưng trong những trường hợp ngoại lệ cần phải được xuất, nhập khẩu hoặc hàng hóa xuất, nhập khẩu theo hạn ngạch thì mới cần giấy phép xuất, nhập khẩu. Còn những mặt hàng khác đã được cấp phép kinh doanh có điều kiện theo Luật đầu tư, như tại Phụ lục số 4 về danh mục ngành nghề kinh doanh đầu tư có điều kiện  không nhất thiết sẽ phải quản lý một lần nữa theo giấy phép xuất, nhập khẩu.

Vấn đề quyền kinh doanh xuất, nhập khẩu của các thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam (tức là không đăng ký kinh doanh tại Việt Nam), được quyền thu mua hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu hoặc bán hàng hóa vào thị trường trong nước thông qua các đại lý. Nội dung này đang được quy định ngắn gọn trong quyền tự do kinh doanh xuất, nhập khẩu và hoạt động đại lý cho thương nhân nước ngoài.

Chúng ta đều biết, trên thực tế hiện nay đã và đang xảy ra tình trạng thương nhân nước ngoài thông qua các đại lý hợp pháp cũng như không hợp pháp thu gom hàng nông sản của Việt Nam để xuất khẩu và cạnh tranh đáng kể với các doanh nghiệp trong nước, trong nhiều trường hợp là cạnh tranh không lành mạnh hay có những hiện tượng thu mua nông sản, vật phẩm với những mục đích phi thương mại, làm ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội và đời sống của nông dân như đã được đề cập nhiều trên các phương tiện truyền thông.

Mặt khác, theo cam kết mở cửa của Việt Nam, thương nhân nước ngoài cũng có bị những hạn chế nhất định về quyền bán lẻ. Song, trên thực tế thông qua những đại lý này, thương nhân nước ngoài có thể lưu trữ hàng ở kho ngoại quan để phân phối trực tiếp cho khách hàng trong nước. Các thương nhân nước ngoài này mặc dù không có hiện diện thương mại tại Việt Nam nhưng họ đã tiến hành những hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và theo đó phải nộp thuế với lợi nhuận phát sinh tại Việt Nam. Vì vậy, ở đây cũng đặt ra vấn đề phải quản lý thu thuế nhà thầu đối với các đối tượng này. Do vậy, cần có đánh giá cụ thể hơn về toàn bộ các hoạt động kinh doanh của thương nhân nước ngoài, nhất là những thương nhân nước ngoài trong các trường hợp không có hiện diện tại Việt Nam. Phối hợp với các cơ quan quản lý để thiết kế được những biện pháp và chính sách quản lý hữu hiệu.

Cuối cùng, nội dung về xuất nhập khẩu, quản lý xuất nhập khẩu sẽ liên quan trực tiếp tới toàn bộ công tác về quản lý hải quan và thu thuế xuất nhập khẩu. Nhất là đối với các nội dung quy định về tạm nhập, tái xuất, về chuyển khẩu, về quản lý hàng hóa đối với khu hải quan riêng, để đảm bảo tính đồng bộ về mặt pháp luật và tạo cơ sở cho việc phối hợp phòng, chống gian lận thương mại và trốn thuế.
 

Xuân Hồng

.