Trước đó, chiều ngày 20/5, tối cùng ngày, Bộ Y tế đã có thông báo chính thức về việc tạm dừng lưu hành 3 lô sản phẩm thực phẩm của Công ty TNHH URC Hà Nội do có nhiễm chì, đúng như 2 kết luận ban đầu của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia.
Kết luận của Bộ Y tế dựa theo kết quả làm việc ngày
20/5/2016 giữa Đoàn thanh tra của Bộ Y tế với Công ty TNHH URC Hà Nội, cũng như căn cứ vào biên bản lấy mẫu ngày
10/5/2016 và
13/5/2915 của Đoàn kiểm tra của Cục An toàn thực phẩm và Viện Dinh dưỡng kiểm nghiệm; kết quả thử nghiệm mẫu ngày
17/5/2016 của Viện dinh dưỡng.
|
Một lô nước C2 như thế này có nhiễm chì, bộ Y tế yêu cầu dừng lưu hành sản phẩm |
Câu chuyện này là kết quả những thông tin về nghi án “đòi 1 tỉ đồng để biến kết quả nước uống nhiễm chì thành đủ tiêu chuẩn" mà báo chí phanh phui.
Nhìn sự việc từ góc độ thiệt hại của người dân, người tiêu dùng, PV Infonet đã có cuộc phỏng vấn Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng (Đoàn luật sư Tp HCM) về vấn đề này.
Thưa luật sư, sự việc nước ngọt C2 và nước tăng lực Rồng đỏ của URC bị dừng lưu hành đang gây lo lắng cho người tiêu dùng. Nhìn ở khía cạnh pháp lý, theo luật sư, người tiêu dùng đã bị xâm hại quyền lợi như thế nào?
Một trong những quyền của người tiêu dùng được quy định tại Luật Bảo vệ người tiêu dùng là: “Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.”.
Việc URC đưa ra thị trường các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng là vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại điều 10 Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; Tổ chức vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Theo luật sư, người tiêu dùng đã mua, đã sử dụng sản phẩm này nên làm thế nào?
Khoản 6 điều 8 Luật Bảo vệ người tiêu dùng quy định Người tiêu dùng có quyền: “Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.”.
Theo đó, Người tiêu dùng có thể lựa chọn một trong các phương thức: Thương lượng; Hòa giải; Trọng tài; Tòa án để giải quyết các vấn đề liên quan đến bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, để có cơ sở đòi bồi thường thiệt hại, người tiêu dùng phải đưa ra được những chứng cứ chứng minh yêu cầu đòi bồi thường của mình là có căn cứ.
Nhưng người tiêu dùng làm thế nào để chứng minh thiệt hại khi uống phải những sản phẩm nước uống đóng chai nhiễm chì như thế này, thưa luật sư?
Rất khó, vì nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng là lâu dài, một đến vài năm, nên rất khó chứng minh người tiêu dùng bị thiệt hại ngay, thiệt hại như thế nào và bao nhiêu.
Thiết nghĩ, pháp luật nên có sự điều chỉnh theo hướng, chỉ cần có hành vi là có thể ấn định mức bồi thường dựa trên một số tiêu chí kinh tế, xã hội và y học nhất định.
Nếu không phía doanh nghiệp họ sẽ lợi dụng vào quy định khó chứng minh thiệt hại của người tiêu dùng để tiếp tục có những hành vi vi phạm.
Trước khi Bộ Y tế thành lập đoàn kiểm tra thì có nghi án "đòi 1 tỉ để kết quả sạch sẽ hơn", việc điều tra làm rõ thông tin này sẽ có ý nghĩa như thế nào?
Nếu đúng sự thật, hành vi này có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ để các cơ quan chức năng có hình thức xử lý phù hợp.
Nếu có chứng cứ chứng minh đòi 1 tỷ đồng để làm sai lệch kết quả thanh tra, hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” quy định tại điều 280 Bộ luật Hình sự.
Những thông tin như thế này nói lên điều gì về việc quản lý chất lượng sản phẩm nói chung, lời hứa của doanh nghiệp nói riêng, thưa luật sư?
Tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm hiện đang rất đáng báo động, không chỉ xảy ra với những hộ kinh doanh nhỏ lẻ mà còn với những doanh nghiệp, thương hiệu lớn. Điều đó nói lên rằng, vì lợi nhuận, người kinh doanh đang bất chấp sức khỏe, tính mạng của người dân.
Điều đó cũng nói lên rằng, khả năng quản lý và kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ quan chức năng là chưa có hiệu quả. Cũng với tư cách là một người tiêu dùng, tôi thấy rất khó phân biệt sản phẩm nào là thật, là giả, là tốt là kém chất lượng, tôi cũng thấy khó mà nhận biết doanh nhân nào có trách nhiệm xã hội và đạo đức kinh doanh.
Thay vì đầu tư vào chất lượng, làm tốt trách nhiệm xã hội, thì các doanh nhân chỉ tập trung vào quảng cáo, bởi tâm lý người Việt, vẫn hay có thói quen tiêu dùng thông qua quảng cáo. Ngay cả những doanh nghiệp lớn bị rơi vào khủng hoảng lớn, tưởng chừng đóng cửa, nhưng không, nhờ vào quảng cáo, nhờ kênh quảng cáo lớn nhất nước không từ chối họ, nên họ vẫn phục hồi nhanh. Đó là điểm yếu của người tiêu dùng Việt và điểm yếu này đang bị lợi dụng.
Xin cảm ơn luật sư!
Theo infonet.vn