7- Eleven chính thức công bố bước vào thị trường Việt Nam. Với kinh nghiệm “chinh chiến” thị trường thế giới, đơn vị này sẽ làm nóng thêm cuộc chiến giành thị phần trong nước.

 


Mặc dù Việt Nam là mảnh đất màu mỡ cho các nhà bán lẻ, nhưng rõ ràng, với sự hiện diện của các đối thủ nặng ký như Circle K, B’s Mart, Shop & Go và Ministop, 7-Eleven sẽ gặp không ít thách thức.

Với hơn 100 cửa hàng tại TP.HCM, Circle K chính thức mở cửa tại Việt Nam năm 2009 thông qua Công ty Vòng Tròn Đỏ thuộc Tập đoàn GR International Hong Kong. Circle K đã dần chinh phục khách hàng với phong cách cũng rất Mỹ. Chuỗi bán lẻ này đặt mục tiêu quy mô 150 cửa hàng trong năm nay và 500 cửa hàng vào cuối năm 2017 tại Việt Nam.

Một hệ thống CHTL khác là Ministop, công ty con của Aeon hợp tác với Sojitz cũng của Nhật Bản đang có tham vọng mở tới 800 CHTL trong vòng 10 năm tới tại Việt Nam.

Hai đối thủ nặng ký khác là Shop & Go và B’s mart cũng đang lần lượt sở hữu 125 và 75 CHTL tập trung chủ yếu ở khu vực TP.HCM. Chắc chắn, họ sẽ tiếp tục mở rộng quy mô ngay trong năm nay.

Ông Robert Trần cho rằng, việc xuất hiện thêm nhiều CHTL sẽ là điều kiện tốt giúp người tiêu dùng có thể mua được sản phẩm với mức giá cạnh tranh nhất. Tuy nhiên, nếu đứng trên cương vị là một nhà đầu tư thì mấu chốt của cuộc chiến lúc này với 7-Eleven chính là tìm kiếm được các vị trí chiến lược. Hiện các nhà bán lẻ phải thuê mặt bằng với giá khoảng 9 USD/m2/tháng thì mới có hiệu quả kinh doanh, nhưng trên thực tế thì mặt bằng cho thuê bán lẻ hiện nay ở các khu trung tâm, nơi ưu tiên đầu tư mô hình CHTL thường có giá từ 30-50 USD/m2/tháng.

Trong khi đó, ông Robert Trần khẳng định: “Nhà đầu tư muốn ghi nhận lợi nhuận từ mô hình này tại Việt Nam thì phải đạt số lượng cửa hàng lớn gấp đôi hoặc gấp 3 lần so với các nước, tức phải phát triển ở mức hàng trăm cửa hàng”.
 

Theo NTD

.