Sáng nay, ngày 7/1, Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức Lễ thông xe dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long sau 5 tháng thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, từ sau lần sửa chữa lớn năm 2009 và một số lần sửa chữa cục bộ, đến trước năm 2020 các hư hỏng trên mặt đường trong phạm vi giàn thép của cầu Thăng Long vẫn chưa được khắc phục triệt để.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành dự án (ảnh: Báo Giao thông).

Nguyên nhân chính gây hư hỏng mặt cầu là do cấu tạo của bản thép mặt cầu dày 14mm là mỏng so với tiêu chuẩn hiện nay tối thiểu bằng 18mm, do đó bản mặt cầu thép biến dạng uốn quá mức gây nứt lớp bê tông nhựa bên trên.

Giải pháp là sử dụng công nghệ hàn đinh neo Plasma liên kết với bản thép sau đó lắp đặt lưới cốt thép và rải bê tông cốt sợi thép siêu tính năng (UHPC) cường độ chịu nén gấp 3 lần bê tông thông thường. Sau khi hoàn thành rải bên tông UHPC sẽ quét keo epoxy dính bám trước khi thảm bê tông nhựa polime dày tối thiểu 4cm.

Với phương án này mặt cầu sẽ đảm bảo tuổi thọ của lớp bê tông siêu tính năng (UHPC) tương đương với bản thép mặt cầu, tối thiểu là 30 năm và lớp phủ bê tông nhựa Polime là từ 5 - 10 năm.

Công tác triển khai thi công sửa chữa bắt đầu triển khai từ 16/8/2020, sau 145 ngày liên tục, hàng trăm công nhân, kỹ sư đã miệt mài thi công đã hoàn thành một khối lượng công việc không nhỏ như hàn hơn 1,4 triệu đinh neo; lắp đặt 800 tấn cốt thép; rải 2.000 m3 bê tông siêu tính năng; quét keo epoxy dính bám và thảm 27.200 m2 bê tông nhựa polyme...

Với việc tổ chức lễ thông xe vào ngày hôm nay, 7/1, Dự án đã về đích vượt tiến độ trước 7 ngày so với yêu cầu.

CV