leftcenterrightdel
Các chuyên gia tại cuộc tọa đàm về kinh tế vĩ mô quý I/2018 

Tăng trưởng cao nhất trong 10 năm

Theo số liệu công bố của Tổng cục thống kê, kinh tế Việt Nam trong quý I/2018 tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây, đạt mức 7,38%. Khu vực dịch vụ tăng trưởng ở mức 6,7% trong quý I, mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Các ngành có đóng góp cao nhất cho mức tăng trưởng chung là: bán buôn và bán lẻ với mức tăng 7,45%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 7,6%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,72% và hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 3,56%.

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng đáng kể với trên 4,2 triệu lượt khách, tăng 30,9%. Trong đó, các thị trường hàng đầu đều tăng trưởng tích cực về lượt khách du lịch như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Nga.

Quý I cũng đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ của khu vực nông, lâm, ngư nghiệp với mức tăng 4,05% sau nhiều năm chỉ tăng trưởng dưới 3%, thậm chí tăng âm như năm 2016. Thủy sản, tiếp tục là điểm sáng của khu vực này với mức tăng cao nhất trong 8 năm qua là 4,76%. Do nhu cầu thị trường xuất khẩu ổn định, giá cá tra nguyên liệu tiếp tục được giữ ở mức cao kỷ lục, 28.000 – 29.500 đồng/kg. Ngành nông nghiệp trong quý I cũng tăng trưởng tích cực 3,76% phần nào cho thấy sự hiệu quả của chuyển dịch cơ cấu sang các sản phẩm có hiệu quả cao.

Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng vượt bậc 9,7%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của khu vực này với với mức tăng rất cao 13,56%. Riêng Samsung Việt Nam tiếp tục đóng góp nhiều nhất cho sự tăng trưởng của ngành chế biến, chế tạo. Cụ thể, giá trị hàng xuất khẩu (điện thoại và linh kiện) của Samsung Việt Nam đạt 12,3 tỷ USD, tăng tới 58,8% so với cùng kỳ năm 2017. Theo VEPR, sự tăng trưởng của doanh nghiệp FDI này góp phần làm cho GDP quý I tăng trưởng mạnh. Đồng thời, ngành khai khoáng đã tăng trưởng dương trở lại với mức 0,40% sau hai năm liên tục suy giảm.

Các chỉ báo sản xuất công nghiệp cũng tiếp tục cho thấy sự khả quan trong quý I. Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I tăng 11,6%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm gần đây. Chỉ số tiêu thụ cũng tiếp tục được cải thiện, đạt mức tăng 14,2%. Tuy nhiên, chỉ số tồn kho lại tăng cao lên mức 13,5%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao hơn mức tăng chung như sản xuất phương tiện vận tải tăng 309,3%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 146,8%; sản xuất kim loại tăng 64,3%, sản xuất thuốc lá tăng 59,2%.

Tuy nhiên, theo VEPR, từ kết quả quý I cho thấy dần sự phụ thuộc vào khu vực vốn đầu tư nước ngoài vào sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam và cần có những chính sách kinh tế vĩ mô.

Dự báo sẽ về đích đúng kế hoạch

Với mức tăng trưởng cao của quý I/2018, nhóm nghiên cứu Kinh tế vĩ mô của VEPR cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,5 – 6,7% của năm 2018 mà Quốc hội đề ra là hoàn toàn khả thi, với các điều kiện thuận lợi hiện nay tiếp tục được duy trì. Tuy nhiên, nhóm cũng cảnh báo trong bối cảnh chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ đang diễn ra, tương lai của nền kinh tế còn rất bất định trước các cú số từ thị trường thế giới. VEPR cũng cho rằng để đạt được mức lạm phát bình quân năm 4% thì cần sự nỗ lực của các cấp mà đặc biệt là chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

VEPR cũng đưa ra nhiều lưu ý về chính sách và triển vọng cho nền kinh tế năm 2018 như sự phát triển phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài FDI. Hơn nữa, việc ký kết Hiệp định CPTPP củng cố tiến trình hội nhập sâu rộng của nước ta với thế giới, tuy nhiên, bên cạnh thúc đẩy phát triển nền kinh tế, nhưng cũng gây ra khó khăn cho nguồn thu ngân sách Nhà nước khi thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng giảm. Đồng thời, để thu hút đầu tư tư nhân và FDI, Chính phủ đã liên tiếp hạ thuế suất thuế TNDN trong những năm gần đây nên tỷ trọng nguồn thu từ loại thuế này cũng giảm dần. Để bù đắp cho sự sụt giảm tổng thu ngân sách, Chính phủ buộc phải tăng các khoản thu nội địa khác...

Hoài Thu