Phục hồi nhanh trong bối cảnh khó khăn

Năm 2021, Vietnam Airlines đã rất nỗ lực để vượt qua những khó khăn của đại dịch COVID -19. Mặc dù nhu cầu hàng không sụt giảm mạnh, nhưng bằng nhiều giải pháp điều hành kinh doanh linh hoạt, sáng tạo, Vietnam Airlines đã đạt được những kết quả khả quan hơn so với kế hoạch năm 2021 đã báo cáo Đại hội đồng cổ đông. Tổng doanh thu hợp nhất năm 2021 ở mức 29.752 tỉ đồng, lỗ hợp nhất trước thuế thấp hơn 1.339 tỉ đồng so với kế hoạch.

Thị trường hàng không nội địa Việt Nam ghi nhận tốc độ phục hồi nhanh nhất thế giới. 6 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế qua các cảng hàng không tăng trưởng đáng kinh ngạc, gấp hơn 9 lần cùng kỳ trong khi khách nội địa tăng hơn 50%... Đây là một tín hiệu đáng mừng cho sự phục hồi nhanh của thị trường hàng không nội địa Việt Nam sau đại dịch COVID-19.

 
leftcenterrightdel
 Vietnam Airlines tìm mọi giải pháp tăng thu và cắt giảm tối ưu hoá chi phí .

Mặt khác, Vietnam Airlines tiếp tục tìm mọi giải pháp tăng thu và cắt giảm, tối ưu hóa chi phí (đặc biệt tái cơ cấu đội tàu bay, chi phí thuê tàu bay); tái cơ cấu danh mục đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp; kiện toàn tổ chức các khối theo hướng tinh gọn bộ máy, giảm tầng nấc trung gian, tinh giản số lượng lao động; đảm bảo và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Trong giai đoạn vừa qua, rủi ro giá nhiên liệu được đánh giá là rất lớn do nhiều yếu tố không chắc chắn về kinh tế toàn cầu, cung cầu thị trường năng lượng và các yếu tố địa chính trị thế giới. Theo tính toán, với giá dầu 6 tháng đầu năm đưa vào chi phí là 116,03 USD/thùng thì chi phí nhiên liệu 6 tháng đầu năm lên đến gần 8.961 tỉ đồng, chiếm trên 34,5 % tỷ trọng chi phí vận tải hàng không. Nếu giá nhiên liệu duy trì ở mặt bằng 160 USD/thùng cho 6 tháng cuối năm thì chi phí nhiên liệu năm tăng thêm do giá sẽ khoảng 4.324 tỉ đồng so với Kế hoạch đã báo cáo Đại hội đồng cổ đông. Trong khi đó, giá vé máy bay vẫn chịu mức giá trần theo quy định mà không tính đến biến động của giá nhiên liệu, khiến doanh nghiệp không thể điều tiết giá trong thời điểm nhất định, làm khó càng thêm khó. Về mặt doanh thu, giá xăng dầu tăng cao gây ra lạm phát, buộc người dân phải thắt chặt chi tiêu, qua đó ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại, du lịch. Do đó, dù giá vé tăng lên, nhưng lợi nhuận, hiệu quả khai thác của hãng hàng không không đạt được như kỳ vọng.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Để giảm thiểu tác động, duy trì mức giá vé tốt nhất có thể,  Vietnam Airlines  đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ thúc đẩy kế hoạch nâng cấp tàu bay thân hẹp trang bị động cơ thế hệ mới tiết kiệm nhiên liệu hơn, đến hoàn thiện hệ thống điều hành, nâng cao hiệu quả khai thác. Điển hình như mới đây, Vietnam Airlines trở thành hãng bay Việt Nam đầu tiên đạt khai thác tầm bay mở rộng (EDTO) 207 phút cho 8 tàu Boeing 787-9 và 240 phút cho 14 tàu Airbus A350, giúp tiết kiệm đáng kể nhiên liệu và thời gian khi bay qua sa mạc, đại dương, tránh các vùng chiến sự. Bên cạnh đó, Vietnam Airlines điều chỉnh các dịch vụ như: số hóa báo giấy, giảm dùng nylon trên tàu bay, sử dụng bộ đồ ăn bằng sứ mới nhẹ hơn…qua đó, giảm tải trọng tàu bay, giảm nhiên liệu tiêu thụ.

Một vấn đề rất được dư luận quan tâm thời gian qua là tình trạng chậm chuyến bay. Hiện nay, các hãng đang phải đáp ứng nhu cầu nội địa phục hồi nhanh, tổng thị trường vượt cả cùng kỳ năm 2019, nhưng cơ sở hạ tầng sân bay vẫn còn nhiều giới hạn, đặc biệt là ở Tân Sơn Nhất. Các chuyến bay thường bị kẹt không lưu ở trên không, mặt đất, do không đủ slot cất, hạ cánh, nhất là vào khung giờ cao điểm và sau ảnh hưởng do thời tiết xấu tại sân. Điều này dẫn tới chuyến bay phải lùi thời gian khởi hành hoặc phải hủy chuyến, bay bù vào ngày hôm sau. Các chuyến bay quốc tế của Vietnam Airlines từ các sân bay nước ngoài tại châu Âu và Úc cũng bị chậm do thiếu nhân lực phục vụ tại sân bay (như nhân viên bốc dỡ hành lý, sử dụng xe tra nạp nhiên liệu, sử dụng trang thiết bị phục vụ chuyến bay đi và đến…), gây ảnh hưởng đến chỉ số đúng giờ toàn mạng. Trong khi đó, đặc thù của hàng không là một chuyến bay chậm, sẽ kéo theo dây chuyền một loạt chuyến bay khác có thể chậm theo.

Mặc dù đây là nguyên nhân bất khả kháng, nhưng Vietnam Airlines đang cố gắng hết sức thực hiện các giải pháp chủ động để hạn chế ảnh hưởng, như xây dựng phương án rút ngắn thời gian ground time (thời gian tính từ lúc máy bay hạ cánh trả khách cho tới khi chuẩn bị sẵn sàng để đón chuyến tiếp theo), tập trung thực hiện công tác kỹ thuật, bảo dưỡng tàu bay vào ban đêm, hạn chế dừng tàu vào ngày khai thác trừ các trường hợp bắt buộc, đảm bảo đủ số lượng tàu dự bị tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, xếp hành trình bay phi công, tiếp viên hạn chế phải đổi tàu bay tại các sân bay địa phương…Ngoài ra, Vietnam Airlines tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan về cấp slot bay theo cặp và về việc sử dụng nhà ga quốc tế trong khung giờ không sử dụng để phục vụ khai thác nội địa trong cao điểm hè 2022.

Tích cực triển khai tái cơ cấu vốn...

Dự báo 6 tháng tới đây, thị trường nội địa sẽ trầm lắng hơn do sắp qua mùa cao điểm đi lại. Thị trường quốc tế cũng chưa thể phục hồi nhanh chóng để trở lại mức như trước đại dịch. Trong khi đó, các khó khăn kể trên sẽ tiếp tục kéo dài và chưa thể dự báo được thời điểm kết thúc.

Trong bối cảnh như vậy, Vietnam Airlines tiếp tục kiên trì, chủ động các giải pháp điều hành linh hoạt theo diễn biến thị trường, cắt giảm chi phí, cân đổi dòng tiền, chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, chuyển đổi số và tái cơ cấu. Những việc này sẽ giúp bổ sung thu nhập, dòng tiền và nguồn lực nhằm cải thiện tối đa kết quả sản xuất kinh doanh, duy trì thanh khoản, cải thiện các chỉ số tài chính của Vietnam Airlines.

Đặc biệt, đối với công tác Tái cơ cấu danh mục đầu tư, Vietnam Airlines cho biết,  đang tích cực triển khai tái cơ cấu vốn của Vietnam Airlines tại Cambodia Angkor Air và Pacific Airlines. Đến thời điểm hiện nay, Vietnam Airlines đã hoàn thành thoái vốn giai đoạn 1 của Cambodia Angkor Air và đến năm 2025, sẽ hoàn tất toàn bộ quá trình thoái vốn tại hãng bay này. Việc hoàn thành thoái 35% vốn tại Cambodia Angkor Air năm 2021 giúp Vietnam Airlines bổ sung thu nhập năm 2021 xấp xỉ 176,9 tỷ đồng.

Đối với tái cơ cấu, chuyển nhượng vốn tại Pacific Airlines, Vietnam Airlines đã công khai thăm dò thị trường và đã có một số nhà đầu tư có năng lực, tiềm lực tài chính quan tâm đến công tác tái cơ cấu Pacific Airlines. Vietnam Airlines cũng đã xây dựng Phương án tái cơ cấu cổ đông Pacific Airlines, báo cáo lên Ủy ban quản lý vốn vay và các cơ quan nhà nước, đồng thời, kiến nghị một số giải pháp tháo gỡ vướng mắc về pháp lý khi thực hiện tái cơ cấu, chuyển nhượng vốn của Vietnam Airlines tại Pacific Airlines. Sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận, Vietnam Airlines sẽ triển khai thực hiện các bước tiếp theo.

 

 Kết quả vận chuyển nửa đầu năm 2022, Vietnam Airlines Group (gồm 3 hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) đạt gần 9,5 triệu lượt khách, tăng 24,6% so với kế hoạch đã báo cáo Đại hội đồng cổ đông năm 2022. Trong đó, nội địa là hơn 8,9 triệu lượt khách, vượt 25,9% kế hoạch; quốc tế là hơn 550.000 lượt khách, vượt 6,7% kế hoạch. Vận chuyển hàng hóa, bưu kiện của Vietnam Airlines đạt 113.400 tấn, tăng 18,3% cùng kỳ, đạt xấp xỉ mục tiêu đề ra. Thông qua các chương trình bán linh hoạt, doanh thu hợp nhất 06 tháng đạt 30.650 tỉ đồng, vượt 35,3% so với kế hoạch, mức lỗ hợp nhất trước thuế thấp hơn 1.309 tỉ đồng so với kế hoạch.

 

 

 

Vũ Lâm