Theo cơ quan chủ trì cho biết, Luật Điện lực năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực năm 2012, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018 và Luật số 03/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự) đã xây dựng được khuôn khổ pháp lý cho hoạt động điện lực và sử dụng điện, bảo vệ được lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng điện và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện lực, đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao và góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, sau gần 20 năm triển khai thi hành và qua 3 lần sửa đổi, bổ sung một số điều (năm 2012, năm 2018 và năm 2022), đến giai đoạn hiện nay cần thiết phải nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực để kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn hoạt động điện lực và sử dụng điện. 

Thực tiễn thi hành pháp luật về điện lực cho thấy còn tồn tại một số vấn đề mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng mục tiêu triển khai các chính sách của Đảng đối với lĩnh vực năng lượng nói chung và điện lực nói riêng, đặc biệt là mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, tăng cường phân công, phân cấp, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về điện lực, đồng thời giải quyết một số vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Điện lực hiện đang thiếu cơ sở pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Về bố cục, dự thảo Luật Điện lực (lần 2) gồm 9 chương với 94 điều. Về chính sách phát triển điện lực, dự thảo Luật quy định: Phát triển điện lực bền vững trên cơ sở khai thác tối ưu mọi nguồn lực, đáp ứng nhu cầu điện năng phục vụ đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ổn định, an toàn và kinh tế, dịch vụ văn minh, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và an ninh năng lượng quốc gia.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ.

Đồng thời, xây dựng và phát triển thị trường điện lực theo nguyên tắc công khai, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, có sự điều tiết của Nhà nước để nâng cao hiệu quả trong hoạt động điện lực; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện; thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động phát điện, đầu tư xây dựng công trình nguồn điện, lưới điện truyền tải trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh và theo quy hoạch phát triển điện lực, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện và tư vấn chuyên ngành điện lực. Các thành phần kinh tế ngoài nhà nước được vận hành lưới điện truyền tải do mình đầu tư xây dựng.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện. Cụ thể gồm: Hoạt động điện lực không có giấy phép theo quy định của Luật này; phá hoại các trang thiết bị điện, thiết bị đo đếm điện và công trình điện lực; đóng, cắt điện trái quy định của pháp luật.

Vi phạm các quy định về an toàn trong phát điện, truyền tải điện, phân phối điện và sử dụng điện; cản trở việc kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện; trộm cắp điện.

Sử dụng điện để bẫy, bắt động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ trực tiếp, trừ trường hợp được quy định tại Điều 88 của Luật này.

Vi phạm các quy định về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, khoảng cách an toàn của đường dây và trạm điện.

Trộm cắp hoặc tháo gỡ dây néo, dây tiếp địa, trang thiết bị của lưới điện; trèo lên cột điện, vào trạm điện hoặc khu vực bảo vệ an toàn công trình điện khi không có nhiệm vụ.

Sử dụng lưới điện cao áp vào những mục đích khác khi chưa được sự thoả thuận với đơn vị quản lý công trình lưới điện cao áp.

Thả diều, vật bay gần lưới điện cao áp có khả năng gây sự cố lưới điện.

Trồng cây hoặc để cây vi phạm khoảng cách an toàn đối với đường dây dẫn điện cao áp trên không, trạm điện.

Bắn chim đậu trên dây điện, trạm điện hoặc quăng, ném bất kỳ vật gì lên đường dây điện, trạm điện.

Đào đất gây lún sụt lưới điện cao áp, trạm điện; sử dụng cột điện, trạm điện để làm nhà, lều, quán, buộc gia súc hoặc sử dụng vào mục đích khác.

Nổ mìn, mở mỏ; xếp, chứa các chất dễ cháy nổ, các chất hoá học gây ăn mòn hoặc hư hỏng các bộ phận của lưới điện.

Đốt nương rẫy, sử dụng các phương tiện thi công làm hư hỏng, sự cố lưới điện, trạm điện, nhà máy điện.

Điều khiển các phương tiện bay có khoảng cách đến bộ phận gần nhất của lưới điện cao áp nhỏ hơn 100m, trừ trường hợp phương tiện bay làm nhiệm vụ quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa đường dây điện được phép theo quy định.

Để cây đổ vào đường dây điện khi chặt tỉa cây hoặc lợi dụng việc bảo vệ, sửa chữa lưới điện cao áp để chặt cây.

Vi phạm các quy định về an toàn đập, hồ chứa thủy điện.

Cung cấp thông tin không trung thực làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực và sử dụng điện.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để gây sách nhiễu, phiền hà, thu lợi bất chính trong hoạt động điện lực và sử dụng điện; các hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về điện lực.

P.V