(BVPL) - Thời gian gần đây, việc in sách lậu không chỉ dừng lại ở các thể loại sách văn học, tiểu thuyết, truyện đọc… mà còn “lấn sân” sang cả những bộ giáo trình, đặc biệt là các giáo trình Anh ngữ và sách giáo khoa các cấp… Điều đáng nói ở đây là độc giả rất khó có thể phân biệt được sách thật và sách giả bởi thủ đoạn lừa đảo của các cơ sở in sách lậu ngày càng tinh vi...
Sách giả, sách lậu: Hậu quả khôn lường
Với những thủ đoạn tinh vi, không chỉ tem chống hàng giả mà thậm chí cả logo và con dấu của nhà xuất bản cũng bị in lậu để đánh lừa người tiêu dùng. Bức xúc trước vấn nạn này, ông Đỗ Thành Lâm - Phó Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tại TP.HCM, Trưởng Ban chống in lậu tại TP.HCM cho biết, sách in lậu ngày càng được in ấn bằng công nghệ cao, thoáng nhìn bên ngoài phụ huynh và học sinh sẽ không dễ nhận biết bằng mắt thường.
Sách in lậu xuất hiện tràn lan trên thị trường. So với năm ngoái, sách lậu năm nay có sự gia tăng lớn về số lượng và chủng loại, chúng được bày bán một cách trắng trợn, công khai trên diện rộng, khó kiểm soát khiến các nhà xuất bản rất hoang mang. Riêng tại địa bàn TP.HCM, có rất nhiều tuyến đường kinh doanh sách giá rẻ, giảm giá từ 20-30%, thậm chí có loại giảm đến 50% so với giá gốc như đường Cộng Hòa (Q. Tân Bình), Hoàng Văn Thụ (Q. Phú Nhuận), Lý Thường Kiệt (Q.10), Trần Nhân Tôn (Q.5), Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q. Bình Thạnh)…
|
Sách lậu bày bán tràn lan trên thị trường |
Qua khảo sát, được biết những bộ vở bài tập Toán, Tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 5, sách bài tập các môn Toán, tiếng Việt, tiếng Anh… từ lớp 6 đến lớp 9; bộ sách Tin học, bài tập Tin học THCS quyển 1, 2, 3, 4; bộ truyện đọc từ lớp 1 đến lớp 5… là những sách bị in lậu nhiều nhất. Đặc biệt là bộ sách tiếng Anh và sách bài tập tiếng Anh (Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020) từ lớp 3 đến lớp 6 cùng một số sách tham khảo khác đã bị in lậu với số lượng lên đến hàng chục nghìn cuốn.
Điều nguy hiểm ở đây là sách in lậu, đặc biệt là các loại giáo trình và sách giáo khoa hầu hết đều không đảm bảo tính chính xác về nội dung, có những lỗi sai về kiến thức, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giáo dục. Cụ thể như dấu hai chấm (:) in nhòe thành dấu chấm (.), dấu bằng (=) thì chỉ còn là dấu trừ (-)…Trẻ em khi học trên sách lậu in mờ chữ, nhòe nét, đóng sai và lệch trang sẽ gây ra những hiểu lầm về nội dung và việc thu nhận kiến thức bị lệch lạc, tác động tiêu cực đến cả một thế hệ tương lai của đất nước. Chưa kể đến việc sách in lậu với chất lượng giấy mỏng, hình ảnh lòe loẹt sai lệch với bản gốc và sử dụng mực in kém chất lượng không chỉ ảnh hưởng đến thị giác mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Bên cạnh việc gây thiệt hại đối với quyền lợi của độc giả, việc sản xuất và mua bán sách lậu cũng đã tiếp tay cho cách thức làm ăn phi pháp, bất chính, kiếm tiền trên sức lao động của các nhà làm sách chân chính, ăn cắp bản quyền, gián tiếp gây ảnh hưởng đến nền tri thức nước nhà.
Không chỉ vậy, chính tình trạng sách in lậu được bày bán tràn lan trên thị trường với giá rất “bèo” đã khiến cho các doanh nghiệp thiệt hại hàng tỷ đồng, còn các nhà xuất bản thì phải “kêu cứu” vì thua lỗ.
Xử phạt: Chỉ như “bắt cóc bỏ dĩa”
Đó là ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Đăng Quang - nguyên Phó Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khi phát biểu trong Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện công tác phòng chống in lậu từ năm 2009-2014 và tập huấn nghiệp vụ phòng chống in lậu năm 2014 về tình trạng xử phạt các nhà sách về hành vi kinh doanh sách lậu. Ông Quang đưa ra dẫn chứng: “Tháng 11 năm 2013, các cơ quan chức năng khi kiểm tra 3 nhà sách ở Bắc Giang là Định Thịnh, Phú Thịnh và Sơn Luyến, đã phát hiện tới gần 18.000 bản sách in lậu. Địa phương đã tiến hành xử phạt hành chính, áp khung hình phạt là 30 triệu đồng cho một nhà sách. Các nhà sách nộp phạt xong, lại… tiếp tục kinh doanh sách lậu. 6 tháng sau, ngày 3/6/2014, kiểm tra lại 3 nhà sách trên, lại phát hiện hàng ngàn bản sách vi phạm, có nhà sách số bản sách vi phạm nhiều gần gấp đôi lần trước. Lại xử phạt hành chính, áp “kịch trần” nghị định xử phạt hành chính cũng chỉ tới 30 triệu đồng. Nộp phạt xong, họ lại tiếp tục kinh doanh sách lậu. Có tình trạng “nhờn” với pháp luật”.
Đề cập đến vấn đề này, ông Dương Bá Long, Giám đốc Công ty In sách Việt Nam cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc sách in lậu đang trở thành vấn nạn khó dẹp là do chế tài chưa đủ sức răn đe, đơn vị in lậu có thể lãi từ 30-45% giá sản phẩm được bán ra, tiêu thụ lại dễ nên nhiều cơ sở sẵn sàng chịu phạt.
Theo Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản, khung hình phạt tối đa khi buôn bán sách lậu (với cá nhân) chỉ là 30 triệu đồng; còn với hành vi in lậu (với cá nhân) chỉ là 40 triệu; mức xử phạt hành chính nặng nhất hiện nay là 500 triệu đồng. Trên thực tế, con số này chẳng thấm vào đâu so với lợi nhuận kiếm được từ việc in và kinh doanh sách lậu. Vì thế, các cơ sở sẵn sàng chịu phạt rồi lại ngang nhiên “ngựa quen đường cũ”.
Để ngăn chặn tình trạng bán sách lậu một cách triệt để và có hiệu quả, theo các đơn vị xuất bản sách, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ khâu cấp phép in ấn, đến kiểm tra, phát hành... Đồng thời, đưa ra nhiều hình thức xử phạt thật nghiêm minh, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân, cơ sở thực hiện hành vi phạm pháp này nhằm hướng đến một “thị trường sạch” với 100% sách thật chứ không phải “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay.
Việt Hoa