Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã xảy ra một số vụ án tham nhũng diễn ra ở khu vực tư. Mặc dù hành vi không mới nhưng đây là loại tội phạm mới; loại tội phạm này sẽ làm tăng chi phí và giảm đáng kể lợi nhuận của doanh nghiệp, làm hình thành những thói quen kinh doanh thiếu lành mạnh, làm méo mó bản chất các quan hệ kinh tế…
Người phạm tội chủ yếu là nhân viên của công ty, với thủ đoạn lập chứng từ khống (sử dụng hóa đơn khống, phiếu xuất hàng khống…) để chuyển hàng hóa, tiền ra khỏi công ty nhằm chiếm đoạt. Do đó, việc phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi trên góp phần làm lành mạnh hóa môi trường hoạt động, kinh doanh của khu vực tư.
Vừa qua, các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang đã phát hiện, khởi tố điều tra để xử lý một số đối tượng có chức vụ, quyền hạn nhất định tại các doanh nghiệp, công ty có hành vi tham ô tài sản, hành vi phạm tội ở một số dạng điển hình như:
|
|
Tống đạt quyết định tố tụng đối với bị can trong vụ án tham ô tài sản. Ảnh: B.G |
Vụ thứ nhất: Nguyễn Thị Thu được Công ty TNHH W., có địa chỉ tại Khu công nghiệp Vân Trung ký hợp đồng lao động không thời hạn với chức danh, chức vụ Kế toán trưởng. Thu được giao nhiệm vụ tổng hợp hóa đơn, lập bảng thanh toán (thể hiện nhà cung cấp, tên hàng hóa; ngày tháng ghi trên hóa đơn đề nghị thanh toán, số tiền thanh toán) trình Giám đốc Tài chính để kiểm tra, phê duyệt; sau đó, Thu thực hiện việc chuyển tiền qua hệ thống Internet Banking để thanh toán cho các nhà cung cấp; các mã thanh toán đều sử dụng mã OTP do Giám đốc tài chính cung cấp.
Từ năm 2017, Thu nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của Công ty W., nên đã liên hệ với một số đối tượng để mua hóa đơn. Thu sẽ trả 1%-2% trên tổng trị giá hàng hóa trước thuế; khi cần, Thu cung cấp số lượng, nội dung hàng hóa, số tiền để các đối tượng này tự cân đối để viết, xuất hóa đơn khống; gửi hóa đơn cho Thu qua đường bưu điện.
Sau khi hoàn thiện thủ tục, Thu thực hiện chuyển tiền thanh toán từ tài khoản của Công ty W. cho các công ty, hộ kinh doanh theo hóa đơn, rồi thông báo cho các đối tượng cung cấp hóa đơn, để các đối tượng này liên hệ với đơn vị cung cấp hóa đơn nhận lại số tiền Công ty W. đã chuyển thanh toán, sau khi trừ % hóa đơn, số tiền Công ty W. đã thanh toán còn lại sẽ được chuyển lại vào tài khoản của Thu.
Tính đến thời điểm bị phát hiện, tổng số tiền Thu chiếm đoạt được của Công ty W. qua hình thức chuyển tiền thanh toán từ tài khoản Công ty W. đến các đơn vị xuất hóa đơn khống khoảng 15 ti đồng.
Vụ thứ hai: Nguyễn Chinh, Hồ Phương đều là nhân viên văn phòng tại Công ty N. Nhiệm vụ chủ yếu của Chinh là quản lý khu vực xuất nhập hàng, phụ trách phần xuất nhập nguyên liệu, quản lý xuất phụ liệu PVC cho các công ty gia công, trong đó có nhiệm vụ làm đơn trên hệ thống phần mềm quản lý để chuyển cho kho cấp phụ kiện.
Phương có nhiệm vụ xét đơn và phê duyệt trên hệ thống, in đơn rồi chuyển cho công nhân kho xuất hàng, chuyển cho Chinh. Sau đó, Chinh chuyển hàng hóa cho các công ty gia công thông qua các lái xe của các công ty. Nhiệm vụ chính của Phương là Tổ trưởng quản lý kho phụ liệu, thực hiện việc nhận phụ liệu, kiểm tra số lượng hàng hóa từ Công ty N. chuyển đi và từ các công ty gia công chuyển đến.
Lợi dụng nhiệm vụ được phân công, ngày 25/1/2021, Chinh đã lên đơn trên hệ thống phần mềm quản lý công ty để làm phiếu xuất kho khống 10 thùng phụ liệu PVC. Ngày 28/1/2021, Chinh tiếp tục lên đơn trên hệ thống phần mềm quản lý Công ty để làm phiếu xuất kho khống 20 thùng phụ liệu PVC. Sau khi được Phương thông qua các đơn trên hệ thống đã lập phiếu xuất kho, Chinh đã giao số hàng hóa này cho Ngô Quang, Hồ Tuân (đều là lái xe của các công ty gia công cho Công ty N.) để mang đi bán.
Quang mang đến một cửa hàng mua bán phế liệu bán được 15.000.000 đồng; Tuân bán cho một cửa hàng phế liệu được 20.000.000 đồng. Toàn bộ số tiền hàng bán được, Quang, Tuân và Chinh, Phương chia đều cho nhau, chi tiêu cá nhân hết.
Vụ thứ ba: Hà Mạnh và Chu Giáp đều là công nhân Công ty S. (chuyên sản xuất linh kiện điện thoại) thuộc Khu công nghiệp Việt Yên. Theo phân công, Mạnh là Tổ trưởng của một ca làm việc tại bộ phận kho hàng (có trách nhiệm viết phiếu xuất hàng), Mạnh được hưởng phụ cấp trách nhiệm; Giáp là lái xe, có trách nhiệm vận chuyển hàng hóa từ Công ty S. đến Công ty E. thuộc Khu công nghiệp Quang Minh. Quá trình làm việc tại Công ty S., Mạnh và Giáp đã bàn bạc, thống nhất sẽ lấy trộm hàng hóa (thùng linh kiện điện thoại) của Công ty S. để bán lấy tiền chia nhau.
Theo sự bàn bạc từ trước nên ngày 28/1/2021, Mạnh đã viết 2 phiếu xuất kho, gồm: 1 phiếu xuất 150 thùng linh kiện đến Công ty E.; 1 phiếu xuất 20 thùng hàng test (hàng dùng thử). Khi Giáp điều khiển xe đến, Mạnh để riêng 20 thùng hàng gần cửa thùng xe và báo cho Giáp biết. Trên đường vận chuyển hàng từ Công ty S. đến Công ty E., Giáp đã dừng lại tại một cửa hàng thu mua phế liệu để bán 20 thùng hàng, được số tiền 14.000.000 đồng; phiếu xuất kho số hàng hóa này Giáp đã hủy. Số tiền bán được, Giáp và Mạnh chia cho nhau để chi tiêu cá nhân hết.
Thực trạng các vụ án liên quan tới tham nhũng, chức vụ nghiêm trọng đã được phát hiện, xử lý trong thời gian qua, cho thấy những mặt hạn chế, tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý nói chung, cũng như trong công tác phòng, chống tham nhũng, tăng cường liêm chính trong kinh doanh nói riêng. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hành vi phạm tội diễn ra là do hoạt động kiểm soát nội bộ chưa phát huy hiệu quả trong ngăn ngừa, phát hiện và xử lý gian lận, sai sót.
Trong các vụ án nêu trên, mặc dù số tiền bị chiếm đoạt ở một số vụ không lớn, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng thực tế đang diễn ra… nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Việc xử lý kịp thời, xử lý nghiêm các vụ án góp phần không nhỏ vào công tác phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư ở Bắc Giang nói riêng và ở Việt Nam nói chung.