leftcenterrightdel
 Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2014 – 2020 

Sáng 12/8, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tổng kết Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2014 – 2020 (Đề án).

Ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thương - Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành thực hiện Đề án cho biết, sau 6 năm thực hiện, Đề án đã mang lại những kết quả tích cực góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội phục vụ đời sống của gần 100 triệu người dân Việt Nam.

Hàng Việt đến nay vẫn chiếm tỷ lệ cao trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước (trên 90%), tại các hệ siêu thị nước ngoài, chiếm từ 60% đến 96%. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên, trong đó có các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh, đạt trên 80% mục tiêu của Đề án.

Đặc biệt từ đầu năm 2020, khi Đại dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, nhiều doanh nghiệp bị đứt gãy thị trường xuất khẩu và nguồn nguyên liệu, các đơn hàng bị ngừng trệ thì với quy mô gần 100 triệu người, thị trường nội địa là không gian đủ rộng cho doanh nghiệp khai thác, vượt qua khó khăn và thách thức.

leftcenterrightdel


leftcenterrightdel
Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên, trong đó có các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh, đạt trên 80% mục tiêu của Đề án 

Ông Trương Văn Cẩm - phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - cho biết dung lượng thị trường nội địa chỉ khoảng 5-6 tỉ USD. Không giống như xuất khẩu, để thâm nhập thị trường nội địa doanh nghiệp phải lo tất cả các khâu mẫu mã, thiết kế, nguồn nguyên liệu và bán hàng.

Để cạnh tranh, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu với mẫu mã phong phú, việc giới thiệu bán hàng luôn được chú trọng. Tuy nhiên, có tới 95% doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực không lớn nên phải tính toán để tồn tại.

"Cần có sự hỗ trợ nhiều mặt của Nhà nước như công tác quản lý thị trường, vì hàng nhập lậu, hàng nhái, hàng giả, làm người dân bị nhập nhèm giữa hàng tốt và hàng xấu. Cần cơ chế chính sách thúc đẩy thị trường nội địa, vì sản phẩm may mặc qua nhiều khâu, mỗi khâu đều phải chịu thuế VAT, liệu có thể miễn thuế hay không" - ông Cẩm nói.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19, thị trường trong nước là bệ đỡ cho các doanh nghiệp sản xuất, phân phối, trở thành động lực để phát triển kinh tế trong thời kỳ vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, việc đưa hàng Việt vào thị trường nội địa theo đề án vẫn còn hạn chế khi chưa có hướng dẫn cụ thể. Một số địa phương chưa phân bổ kinh phí để mở rộng triển khai các chương trình.

Đặc biệt, hàng Việt chịu sức ép cạnh tranh khi các FTA mở ra, hệ thống phân phối còn bất cập, hạ tầng thương mại chợ xuống cấp, còn kẽ hở cho hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ…

Đáng chú ý, vẫn còn một số người tiêu dùng có tâm lý sính ngoại, tạo trở ngại và gây khó cho hàng Việt. Những thách thức trên khiến hàng hóa Việt Nam có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có thương hiệu tham gia vào thị trường vẫn còn thách thức.

Theo đó, Bộ Công Thương kiến nghị cần tiếp tục triển khai cuộc vận động trong tình hình mới vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. Bố trí đủ kinh phí từ ngân sách trung ương để hỗ trợ tiếp tục triển khai các hoạt động, tăng cường kết nối, phát triển đa dạng kết cấu hạ tầng thương mại địa phương…

 Theo kết quả điều tra dư luận xã hội của Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương năm 2019 cho thấy có 88% người tiêu dùng được hỏi cho biết họ quan tâm tới Cuộc vận động, 67% người tiêu dùng tự xác định khi mua hàng hoá sẽ ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam và 52% người được hỏi cho biết luôn khuyên người thân, bạn bè của mình nên sử dụng hàng Việt Nam.

Cho đến nay, hệ thống phân phối hàng hóa đã được phát triển rộng khắp trên cả nước. Thông qua Đề án, đã thiết lập trên 100 Điểm bán hàng Việt Nam cố định và bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại 61 địa phương trên cả nước, cơ bản hoàn thành mục tiêu đến năm 2020, 100% các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương triển khai trên địa bàn Chương trình xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam. Ngoài ra, đã tổ chức gần 70 hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa được sản xuất trong nước; tổ chức gần 100 lớp đào tạo về kỹ năng bán hàng, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh Việt Nam,...
 
Ngô Thị Thu Trang