Qua triển lãm hàng thật - hàng giả được Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) khai mạc sáng 16/10 thu hút đông đảo sự quan tâm của nhân dân, người ta nhận ra 2 điều: Các mặt hàng bị làm giả ngày càng đa dạng và khả năng làm giả ngày càng tinh vi hơn, đến mức giống hệt hàng thật. Thậm chí, nhiều người tiêu dùng tham quan còn giật mình cho biết: nếu lựa chọn, họ sẽ chọn gói hàng giả, vì bao bì trông mới mẻ, bắt mắt hơn.
“Bao bì này được cơ sở sản xuất hàng giả đặt ở nước ngoài, dập 3 mép bằng máy, sau đó mang về đóng hàng giả vào rồi mới dập nốt mép cuối thủ công, vì vậy không mịn cả 4 mép như hàng thật” – anh Nguyễn Trung Thành giải thích.
Đối với chai nước mắm Chinsu, chỉ có dấu hiệu nhận biết là hạn sử dụng được dập nổi lên chai. “Thông thường các cơ sở làm giả hay thuê dập bao bì ở nước ngoài, không rành tiếng Việt nên hay bị sai lỗi chính tả, nếu người tiêu đùng để ý kỹ có thể phân biệt được. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều thủ đoạn làm giả hơn, kể cả việc tái sử dụng bao bì chính hãng, dập lại hạn sử dụng, nên hầu như không thể phân biệt bằng mắt thường”. Để ví dụ, anh Thành lấy 2 chai dầu gội Clear bạc hà để so sánh, không có chút khác biệt nào, ngoài việc phía dưới vòi bơm của chai thật có dập chữ Clear.
Ngay cả các mặt hàng điện như nồi cơm điện, ấm đun nước, xe đạp điện cũng được làm giả tinh vi, thậm chí có mặt hàng trông còn đẹp hơn hàng thật. Tại quầy hàng Sanyo, đại diện nhãn hiệu cho biết có thể phân biệt hàng giả bằng cách nhìn chữ N trên nhãn hiệu hơi khác. Tuy nhiên, ngay bên cạnh đó trưng bày một chiếc quạt giả với logo giống hệt. Đại diện nhãn hiệu cho biết với trường hợp này phải phân biệt bằng model hàng. “Model LV 16 - RK là model chính hãng không sản xuất”. Tuy nhiên, người tiêu dùng có tài thánh cũng không thể phân biệt được bằng dấu hiệu này.
Chế tài phải mạnh hơn
Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong 8 tháng đầu năm nay, lực lượng QLTT toàn quốc đã xử lý 9.036 vụ vi phạm về sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và vi phạm an toàn thực phẩm, chiếm khoảng gần 16% các vụ vi phạm bị xử lý. Tuy nhiên đây rõ ràng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Lực lượng QLTT nhiều địa phương bày tỏ sự lo lắng về việc hàng giả tràn vào khu vực nông thôn và miền núi, vùng sâu vùng xa, đặc biệt là những gánh hàng rong. Với trình độ giả tinh vi như hiện nay, ngay cả những người tiêu dùng thành thị vốn sành sỏi hơn, cũng khó có thể phân biệt, chưa kể gì đến vùng nông thôn.
Hiện nay việc chống hàng giả gặp rất nhiều khó khăn, bởi việc phân biệt thật – giả cần đến chuyên môn sâu. “Hôm nay mình vừa phát hiện dấu hiệu này, cảnh báo đến người dân, thì mai các đối tượng làm giả đã lập tức khắc phục, làm giả theo hình thức khác. Nhiều trường hợp cơ quan chức năng phải nhờ giám định khoa học, hoặc đa phần là phải nhờ chính hãng xác nhận mới kết luận được là hàng giả. Quá trình đó rất tốn thời gian và cả tiền bạc”.
Lực lượng chức năng nhiều địa phương cũng phản ánh chỉ bắt được hàng giả ở khâu tiêu thụ cuối, tức là các cửa hàng bán lẻ, nên lượng bắt được rất ít và rất khó truy ra nguồn gốc. Với cách bắt ở ngọn như thế này, có rải sức ra bao nhiêu cũng thiếu hiệu quả. Lời khuyên của các lực lượng chức năng đến người dân cũng là những lời “muôn năm cũ” và cực khó thực hiện với: mua ở cửa hàng chính hãng.
Theo Công an nhân dân