Bộ Xây dựng vừa có tờ trình gửi Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị. Theo cơ quan chủ trì xây dựng Luật cho biết, hệ thống đô thị tăng nhanh về số lượng, hình thành hai vùng đô thị lớn có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng cùng với các chuỗi, chùm đô thị phân bố rộng khắp các vùng, miền.

Chất lượng sống tại đô thị từng bước được nâng cao. Tỉ lệ dân số đô thị 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết đạt 98,3%; tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em đạt trên 90% với 12 loại vắc xin. Tỉ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi khu vực thành thị có xu hướng giảm dần, từ mức 4,3% năm 2010 xuống còn 3,1% năm 2019. 

Trong khu vực đô thị, tỉ lệ hộ nghèo 3% thấp hơn gần ba lần khu vực nông thôn. Tuổi thọ trung bình của cả nước tăng từ 73,3 tuổi năm 2015 lên 73,7 tuổi năm 2020, trong đó các vùng có mức độ đô thị hóa lớn có tuổi thọ bình quân cao hơn các vùng khác.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thực trạng phát triển đô thị Việt Nam đang có những bất cập lớn tác động đến sự phát triển bền vững. Cụ thể, sự phân bố đô thị trong hệ thống đô thị Việt Nam còn thiếu tính liên kết, chưa phát huy được kết nối vùng trong hệ thống đô thị. Phân loại đô thị chưa thể hiện được yếu tố vùng miền, đặc thù của các đô thị, chất lượng đô thị chưa tương xứng với loại đô thị.

leftcenterrightdel
 Một góc TP Hà Nội. (Ảnh minh hoạ)

Phát triển phình rộng đô thị còn phổ biến. Các khu vực dân cư cũ trong đô thị còn chậm được cải tạo, chỉnh trang, tái phát triển, nhất là các khu vực có hạ tầng chưa đạt tiêu chuẩn, khu nhà ở lụp xụp, khu dân cư nghèo đô thị, các khu vực không phù hợp chức năng đô thị. Mô hình phát triển còn thiếu tính liên kết, áp dụng các mô hình phát triển mới, bền vững còn thiếu chiều sâu.

Kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị. Hạ tầng các trung tâm đô thị lớn bị quá tải, chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với dịch bệnh quy mô lớn; tính liên kết còn yếu. Một số chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật (giao thông đô thị, cây xanh, thoát nước, xử lý nước thải) và hạ tầng xã hội chưa đạt yêu cầu làm giảm chất lượng đô thị.

Cùng với đó, hệ thống các công trình hạ tầng xã hội như nhà ở xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa, công viên cây xanh, sân chơi cho người dân còn thiếu; không gian công cộng đô thị có chất lượng cải tạo thấp, chưa góp phần đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần của cư dân và tăng sức hút của đô thị; khai thác không gian ngầm, công trình ngầm còn rất hạn chế, mang tính cục bộ, chỉ khai thác cho một mục đích riêng chứ chưa có sự liên kết tổng thể cho cả khu vực hay một đô thị, chưa khai thác sử dụng có hệ thống…

Theo Bộ Xây dựng, từ các cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế và yêu cầu của thực tiễn phát triển đất nước trong giai đoạn mới cho thấy, việc nghiên cứu, xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị là hết sức cần thiết, nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương định hướng chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, phát triển đô thị và hạ tầng đô thị, đồng thời tiếp thu các tiến bộ khoa học công nghệ, xu thế mới của thế giới, phát huy tiềm năng của các đô thị, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Dự án Luật được đề xuất trên cơ sở 5 quan điểm đó là: Thứ nhất, thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng và phát triển bền vững đô thị Việt Nam và nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống quy phạm pháp luật trong giai đoạn hiện nay.

Thứ hai, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ và hiệu lực của hệ thống pháp luật. Kế thừa, phát huy và luật hóa các quy định đã được chứng minh là phù hợp, có hiệu quả trong thực tiễn. Tham khảo có chọn lọc quy định pháp luật của một số quốc gia và tổ chức quốc tế trên thế giới phù hợp với thực tiễn tình hình phát triển của Việt Nam và xu thế hội nhập quốc tế.

Thứ ba, phát triển hệ thống đô thị bền vững theo mạng lưới, phân bổ hợp lý, phù hợp với từng vùng, miền, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền; đô thị hình thành, xây dựng mới, vận hành, phát triển, cải tạo chỉnh trang, tái thiết có trật tự, theo quy hoạch và có kế hoạch, trong đó quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị phải đi trước một bước; bảo vệ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên tự nhiên, nhất là tài nguyên đất đai.

Thứ tư, tạo điều kiện, tiền đề để từng bước phát triển các đô thị theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh; hình thành và phát triển đô thị đáng sống đối với cư dân và hấp dẫn đối với nhà đầu tư, có vai trò, vị thế động lực dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội. 

Thứ năm, đề cao vai trò trách nhiệm chính quyền các đô thị, cộng đồng dân cư và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia quản lý đô thị, thực hiện phân cấp, phân quyền và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về phát triển đô thị.

Đề nghị xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị đề cập đến 5 chính sách đó là: Quy định phân loại đô thị và quản lý phát triển hệ thống đô thị bền vững theo mạng lưới; kiểm soát phát triển mới, cải tạo chỉnh trang, tái thiết đô thị theo chương trình, khu vực, hướng tới phát triển bền vững; phát triển, quản lý khai thác sử dụng hạ tầng đô thị và không gian công cộng đồng bộ, hiện đại, liên kết; quản lý, phát triển không gian ngầm, công trình ngầm đô thị; tăng cường phân cấp, phân quyền và nâng cao hiệu quả quản lý phát triển đô thị.

P.V