Việc DN xăng dầu điều chỉnh giá bán từ cuối chiều ngày 13/8 khiến không ít người thắc mắc về cơ chế điều hành giữa cơ quan quản lý và các DN.

 

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, bắt đầu từ 17h ngày 13.8, xăng tăng 1.100 đồng mỗi lít và các mặt hàng dầu cũng có mức tăng từ 500-800 đồng/lít,kg.

 
Theo đó, sẽ có mức giá mới là xăng RON 95 là 23.500 đồng/lít, xăng RON 92 là 23.000 đồng/lít. Trong khi đó, dầu hỏa và dầu madút sẽ lần lượt có giá là 21.540 đồng/lít và 21.550 đồng/kg.
 
 
 
Xôn xao thị trường
 
Thông tin tăng giá xăng đưa ra chiều 13/8 đã gây không ít bức xúc cho người dân bởi đây là lần tăng giá thứ hai liên tiếp trong tháng 8. Tính từ đầu năm tới nay, sau 5 lần điều chỉnh giảm và 5 lần điều chỉnh tăng thì mức giảm tổng cộng chỉ là 3.200 đồng/lít trong khi mức tăng tổng cộng lên tới 5.400 đồng/lít.
 
Bức xúc của người dân còn thể hiện ở chỗ, mới trước đó hai ngày (ngày 10.8), chính Bộ Tài chính đã có thông báo yêu cầu các DN đầu mối khi tính giá cơ sở làm căn cứ để điều hành giá bán xăng dầu trong nước phải đúng quy định tại Thông tư số 234/2009/TT-BTC, việc tính giá cơ sở phải theo chu kỳ bình quân 30 ngày của giá xăng dầu thế giới, còn việc tính giá cơ sở theo các chu kỳ khác chỉ mang tính chất tham khảo.
 
Bộ Tài Chính, trong công văn 10691/BTC-QLG ngày 10.8 vừa qua, thậm chí còn nhấn mạnh: “Khi kiến nghị điều hành, phải dựa trên cơ sở mức giá tính bình quân 30 ngày”.
 
Ngay sau đó, ngày 13/8, khi thông tin tăng giá xăng xôn xao thị trường, Bộ Tài chính đã ra công văn 10870 /BTC-QLG, trong đó bộ vẫn giữ quan điểm: “Việc các DN đăng ký giá để tự quy định giá bán trong biên độ cho phép theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành” và “Về thời điểm thực hiện: Do DN kinh doanh xăng dầu đầu mối tự quyết định vào thời điểm thích hợp phù hợp với các quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP”. Nhưng chỉ sau lần điều chỉnh trước đó 12 ngày, DN xăng dầu lại tiếp tục điều chỉnh tăng giá bán.
 
Sai ngay từ gốc
 
Việc DN xăng dầu điều chỉnh giá bán từ cuối chiều ngày 13.8 khiến không ít người thắc mắc về cơ chế điều hành giữa cơ quan quản lý và các DN. Trước đó, trong buổi họp báo Chính phủ chiều 31.7, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, căn cứ vào chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ hiện hành, DN có thể tự quyết định thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu và thời gian tăng - giảm giữa hai lần tối thiểu là 10 ngày, nhưng biên độ điều chỉnh không vượt quá 7%.
 
Nhiều chuyên gia cho rằng đây chính là cơ sở để các DN có cớ liên tục xin điều chỉnh tăng giá. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, hiểu theo cách của Thứ trưởng Mai “cũng là hoàn toàn sai trong cơ chế thị trường. Trong cơ chế thị trường, một DN không bao giờ được quyền tự định giá” - ông Long nhấn mạnh.
 
Theo Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, quá trình định giá chia làm 3 mức: Giá đầu vào tăng từ 0-7% thì DN được tự định giá. Từ 7-12% thì DN được định giá 7%, còn lại 5% Quỹ bình ổn giá sẽ bù 60% và 40% là theo giá thị trường. Trên 12% sẽ do cơ quan quản lý quyết định.
 
“Mặc dù tưởng như là chia ra rất cụ thể, nhưng lại không có nguyên tắc và trái với quản lý giá theo cơ chế thị trường và sản phẩm độc quyền phải do Nhà nước quản lý giá” - chuyên gia Long nói. “Tại sao các nước để cho các DN xăng dầu tự định giá? Vì họ có thị trường xăng dầu cạnh tranh thực sự. Còn VN thì chưa”.
 
Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, cái gốc là sai ngay từ cơ chế định giá. Thêm nữa Luật Giá vừa được thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2013 cùng với Pháp lệnh Giá hiện đang được thực hiện có quy định rất rõ ràng là xăng dầu cùng với điện, nước, hàng không là sản phẩm độc quyền.
 
“Luật Giá và Pháp lệnh Giá đã quy định thế mà lại để cho DN xăng dầu tự định giá? Chính vì sai ở gốc vấn đề, nên mới dẫn tới rất nhiều thứ lủng củng. Chính cái lủng củng này đã dẫn tới việc là khi xăng dầu thế giới chớm tăng giá là các DN đòi tăng ngay. Nhưng khi giá thế giới giảm rất sâu và dưới áp lực của cơ quan chức năng cũng như người tiêu dùng thì DN mới giảm” - ông Long nói.
 
Về việc các cây xăng găm hàng không bán cho dân để đợi tăng giá, ông Long cho hay, các cơ quan chức năng phải có chứng cứ, phải đi kiểm tra và phải có xử lý cụ thể. Chốt vấn đề, chuyên gia này nói: “Bây giờ cái gốc không sửa mà cứ sửa ngọn thì không có tác dụng, cho nên nó dẫn đến thị trường còn nhiều bất cập và lủng củng”.
 
Cũng theo ông Long, ngay cả quy định được cộng cố định 300 đồng lợi nhuận của DN vào giá bán lẻ xăng cũng rất vô lý, như một dạng đặc quyền, đặc lợi và cơ quan chức năng cũng không đủ năng lực kiểm tra giá các DN đó đưa ra có chính xác không, mặc dù cơ chế giá hiện được quy định khá rõ.
 
 
Theo Lao động
.