Việt Nam nguy cơ rơi vào vùng rủi ro về áp lực nợ
Cập nhật lúc 15:51, Thứ sáu, 03/06/2016 (GMT+7)
Theo chuyên gia của WB, nếu không cải thiện tình trạng tài khóa hiện nay, lộ trình nợ sẽ sớm đưa Việt Nam rơi vào vùng rủi ro về áp lực nợ. (khó khăn, kinh tế vĩ mô, áp lực nợ, Việt Nam)
Theo chuyên gia của WB, nếu không cải thiện tình trạng tài khóa hiện nay, lộ trình nợ sẽ sớm đưa Việt Nam rơi vào vùng rủi ro về áp lực nợ.
Sáng 3/6, Bộ Tài chính và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đồng chủ trì hội nghị đối thoại cấp cao Nhóm đối tác tài chính công năm 2016 với chủ đề “Cải cách chi tiêu công” dựa trên nền tảng của báo cáo đánh giá chi tiêu công năm 2016 do Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, một số địa phương và WB thực hiện.
|
Việt Nam đang đối mặt thách thức về cân đối thu chi ngân sách (Ảnh minh họa: KT) |
Việt Nam đang đối mặt nhiều thách thức
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Việt Nam đang đối mặt nhiều thách thức do sự phục hồi chậm của kinh tế thế giới và khu vực; giá dầu thô vẫn duy trì mức thấp, thiên tai hạn hán và biến đổi khí hậu… ảnh hưởng tới tăng trưởng và quá trình phát triển của Việt Nam.
Cùng với đó, theo Bộ trưởng, quá trình tái cơ cấu kinh tế với 3 trọng tâm (về cải cách đầu tư công, cải cách hệ thống ngân hàng và cải cách doanh nghiệp nhà nước) cũng đặt ra nhiều thách thức vì dù kỳ vọng tái cơ cấu sẽ mang lại hiệu quả tăng trưởng lâu dài, nhưng trước mắt ảnh hưởng đến tăng trưởng trong ngắn hạn.
Đặc biệt, “những khó khăn kinh tế vĩ mô đặt ra nhiều thách thức đối với tiến trình cải cách tài chính công. Những giải pháp tài chính tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đưa nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn nhưng đã làm gia tăng bội chi ngân sách và làm tăng tỷ lệ nợ công. Tác động của biến đối khí hậu, thực hiện các chính sách an sinh xã hội… làm tăng bội chi ngân sách nhà nước ở cả trung ương và địa phương”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng đánh giá việc triển khai thực hiện các cam kết hội nhập đang tác động trực tiếp và gián tiếp tới nguồn thu ngân sách, đặc biệt là thu từ thuế xuất nhập khẩu. Do đó, cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước là nhiệm vụ xuyên suốt giai đoạn 2016-2020 nhằm động viên hợp lý các nguồn lực để phấn đấu tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước khoảng 20 – 21% GDP.
Trong đó, tăng nguồn thu nội địa để đảm bảo tính bền vững thu ngân sách nhà nước; cơ cấu lại chi ngân sách để đảm bảo tỷ lệ hợp lý giữa chi thường xuyên, chi đầu tư và chi trả nợ; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay nước ngoài và vốn đầu tư công; tăng cường quản lý nợ công, giữ mức nợ công không vượt ngưỡng 65%GDP vào năm 2020; bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 vào khoảng 4% GDP, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.
Chi trả lãi của nợ chiếm 8% tổng thu ngân sách
Theo ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB, dư nợ của Việt Nam tăng do bội chi ngân sách tăng liên tục. Các khoản nợ liên quan đến khu vực ngân hàng và nợ của DNNN đang làm trầm trọng hơn và có nguy cơ dễ bị tổn thương với lộ trình nợ hiện nay.
Các khoản nợ cũng ngày càng phụ thuộc nhiều vào nợ trong nước. Mặc dù điều này làm giảm áp lực rủi ro tỷ giá, song lại làm tăng lãi suất bình quân và rút ngắn đáng kể kỳ hạn của nợ công. Điều này dẫn đến, chi trả lãi hiện nay chiếm tới 8% tổng thu của Chính phủ và trên 75% nợ trong nước sẽ đáo hạn trong 3 năm tới.
Trong khi đó, cơ cấu chi đã thay đổi đáng kể theo hướng chi thường xuyên chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Cụ thể, chi đầu tư đã giảm nhưng chi trả lãi đang tăng lên; chi thường xuyên ngoài (không bao gồm chi trả lãi) tăng về tỷ trọng; chi lương tăng lên cả do yếu tố tăng biên chế và tăng lương.
Do đó, ông Sebastian Eckardt cho rằng nếu không cải thiện tình trạng tài khóa hiện nay, lộ trình nợ sẽ sớm đưa Việt Nam rơi vào vùng rủi ro về áp lực nợ. Do đó, ông Sebastian Eckardt khuyến nghị Việt Nam cần có biện pháp để đảm bảo tài khóa bền vững; tối ưu hóa chi phí và kỳ hạn nợ công; tăng cường nguồn thu và hành thu trên cơ sở ổn định và tăng dần tỷ lệ thu trên GDP; nâng cao hiệu suất chi tiêu trên cơ sở hạn chế và từng bước giảm tỷ lệ chi trên GDP; duy trì mức đầu tư như hiện nay nhưng tập trung vào xác định ưu tiên và hiệu quả sử dụng vốn; hạn chế tăng chi thường xuyên và tập trung nâng cao hiệu suất, sắp xếp lại nguồn lực tài chính.
Chuyển từ xây dựng báo cáo sang các hành động cụ thể
Bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, cho rằng Việt Nam đang ở thời điểm đứng trước lựa chọn quan trọng về ngân sách. Việt Nam đã thoát khỏi giai đoạn bất ổn kinh tế vĩ mô gần đây, lạm phát đã được kiềm chế thành công, môi trường kinh tế vĩ mô đã ổn định, tăng trưởng hồi phục và ở mức tốt.
Hiện nay đang đặt ra vấn đề Việt Nam cần có kế hoạch củng cố tài khóa trong trung hạn mặc dù rủi ro của tình trạng báo động nợ vẫn ở mức thấp nhưng nợ công đang lên cao. Chính phủ Việt Nam đã đưa ra mục tiêu đảm bảo thâm hụt ngân sách giảm xuống 4% trong những năm tới. Nhưng để đạt mục tiêu này, cần phải có những biện pháp quyết liệt để tăng thu ngân sách, nâng cao hiệu quả chi tiêu.
Cho nên, Báo cáo đánh giá chi tiêu công 2016 cần đưa ra những phương án lựa chọn để tăng huy động thu ngân sách; sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực có hạn; tăng cường trách nhiệm giải trình của các đơn vị cung cấp dịch vụ công. Đồng thời, các cải cách này có tiềm năng để nâng chất lượng dịch vụ công, tăng đầu tư cho cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội.
“Các đối tác phát triển với Chính phủ vẫn cam kết tiếp tục giải quyết vấn đề này để Việt Nam nắm bắt được các cơ hội cải cách, đạt được mức độ bền vững tài khóa cao hơn. Tôi rất mong đợi có những trao đổi hiệu quả, đóng góp tích cực để tìm ra giải pháp cho bước tiếp theo là chuyển từ xây dựng báo cáo sang các hành động cụ thể trong thực tiễn”- bà Kwakwa./.
Đầu tư dàn trải, hiệu quả kém
Theo bà Vũ Hoàng Quyên, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB, gần đây, tỷ trọng chi đầu tư của Việt Nam giảm trong khi chi thường xuyên tăng, trong đó chi đầu tư do các địa phương thực hiện chiếm tới 3/4, thuộc hàng cao trên thế giới. Điều này thể hiện xu hướng và kỳ vọng của Chính phủ vào địa phương là động lực tăng trưởng của quốc gia. Tuy nhiên, tỷ trọng đầu tư địa phương tăng lên nhưng đầu tư dàn trải, hiệu quả kém và còn yếu, số dự án nhiều nhưng vốn đầu tư cho mỗi dự án tương đối nhỏ (có tới 38.000 dự án, nhưng vốn trung bình chỉ 5 đến 8 tỷ đồng, và 30% dự án có vốn dưới 1 tỷ đồng). Sự gắn kết nguồn lực giữa ngành và quốc gia còn hạn chế, ngân sách chỉ đáp ứng 61% tổng kinh phí dự án được phê duyệt, nên chậm trễ triển khai dự án và nợ đọng. |
Theo VOV
.