Kết thúc phiên giao dịch 19.6 (rạng sáng 20.6, giờ VN), thị trường chứng khoán thế giới đã ghi nhận đà tăng điểm trên diện rộng tại khu vực châu Âu và Mỹ. Tại thị trường châu Á, những tác động muộn của thông tin lãi suất trái phiếu Tây Ban Nha tăng mạnh đã khiến chứng khoán "đỏ sàn".

Ghi nhận tại Phố Wall (Mỹ), chỉ số S&P 500 khép lại phiên 19.6 với mức 1.357,98 điểm, tăng 1% so với phiên trước.

Đây cũng là mức chốt phiên cao nhất của chỉ số này ghi nhận được trong vòng hơn một tháng qua và là phiên tăng thứ tư liên tiếp của S&P 500.

Thị trường hy vọng Fed sẽ có hành động thực sự thiết thực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ, mà trước hết là tăng việc làm cho người dân - Ảnh: Reuters
Thị trường hy vọng Fed sẽ có hành động thực sự thiết thực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ, mà trước hết là tăng việc làm cho người dân - Ảnh: Reuters

Chỉ số Dow Jones Industrial tăng 0,8%, lên mức 12.837,33 điểm trong phiên cùng ngày. Chỉ số tổng hợp Nasdaq Composite tăng 1,2%, chốt phiên ở mức 2.929,76 điểm.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố sẽ có hành động cụ thể để kích thích tăng trưởng của nền kinh tế số 1 thế giới vẫn là nguyên nhân chủ yếu giúp chứng khoán Phố Wall duy trì "sắc xanh" trong phiên giao dịch ngày 19.6.

Chuyên gia David Kelly - Trưởng bộ phận chiến lược thị trường của JPMorgan Funds (thuộc tập đoàn JPMorgan, New York, Mỹ) - cho biết “rất có thể Fed sẽ làm điều gì đó” bởi theo ông hiện thị trường đang rất nhạy cảm và có thể sẽ phản ứng tiêu cực nếu Fed không có hành động cụ thể nào như đã tuyên bố.

Còn theo các chuyên gia khác của JPMorgan Chase và Jefferies (Mỹ) thì chương trình hành động tới đây của Fed có thể tiếp tục là bán các khoản nợ ngắn hạn và mua vào các loại trái phiếu dài hạn.

Trong phiên này, có 7 trong số 10 nhóm ngành đóng góp vào S&P 500 tăng điểm, dẫn đầu là các nhóm cổ phiếu hàng hóa, tài chính và công nghiệp. Giá cổ phiếu của 24 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ thuộc chỉ số KBW Bank đều tăng giá, giúp chỉ số này tăng 2% trong phiên 19.6.

Một số cổ phiếu tăng giá điển hình như cổ phiếu Bank of America tăng 4,5%; cổ phiếu của FedEx tăng 2,8%; cổ phiếu Microsoft tăng 2,9%.

* Tại châu Âu, chỉ số STXE 600 chung cho toàn khu vực ghi nhận phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp khi Hy Lạp tiến gần hơn tới việc thành lập chính phủ mới. Chỉ số này tăng thêm 1,6% trong phiên 19.6.

Cùng với đó, việc lượng trái phiếu chính phủ Tây Ban Nha bán ra đã vượt mức dự kiến cũng là nguyên nhân giúp giới đầu tư lạc quan hơn vào kinh tế khu vực, qua đó đẩy thị trường chứng khoán tăng điểm.

Theo chuyên gia Yves Maillot - Giám đốc đầu tư của Robeco Gestions (Pháp) - thì thị trường hiện đang khá ổn định để chờ đợi những thông tin cụ thể hơn về tương lai của khối đồng tiền chung châu Âu (eurozone) cũng như một chính phủ mới được thành lập tại Hy Lạp.

Trong khi đó, tại Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển và mới nổi G20, các thành viên eurozone đã khẳng định “sẽ làm tất cả những gì cần thiết để bảo vệ sự tồn tại và ổn định của khu vực này.

Tổng kết thị trường các thành viên trong khu vực, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 1,73%, lên mức 5.586,31 điểm.

Chỉ số CAC 40 của Pháp tăng 1,69%, lên chốt phiên ở mức 3.117,92 điểm. Chỉ số DAX của Đức giành thêm 115,16 điểm trong phiên cùng ngày, tương đương mức tăng 1,84% so với phiên đầu tuần, lên mức 6.363,36 điểm.

Chỉ số IBEX 35 của Tây Ban Nha tăng 2,67%; chỉ số FTSE MIB của Ý tăng 3,35%; chỉ số ASE của Hy Lạp tăng 3,34%, trong khi đó chỉ số ISEQ của Ireland tăng nhẹ 0,53%.

* Tại châu Á, các chỉ số chứng khoán quay đầu giảm điểm. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,75%, xuống còn 8.655,87 điểm. Chỉ số HSI của Hồng Kông giảm 0,06%, xuống còn 19.416,67 điểm.

Chỉ số Shanghai Composite và CSI 300 của Trung Quốc lần lượt giảm 0,66% và 0,88%; riêng chỉ số S&P/ASX 200 của Úc giảm 0,33%.

 

Theo Thanhnien