Hàng loạt sai phạm tại 8 mỏ đá

Mới đây, Thanh tra tỉnh Đắk Nông đã ban hành kết luận thanh tra việc quản lý và chấp hành pháp luật trong hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản tại các mỏ đá xây dựng trên địa bàn huyện Đắk R’lấp, huyện Đắk Song.

leftcenterrightdel
 Một mỏ đá được khai thác trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Ảnh minh họa.

Theo nội dung thông báo kết luận thanh tra, tại địa bàn huyện Đắk Song, vào năm 2016, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông đã tham mưu cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty Cổ phần Phú Tài tại mỏ đá Granite xã Đắk Hòa, huyện Đắk Song khi chủ đầu tư chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Trong diện tích cho Công ty cổ phần Phú Tài thuê khai thác đá (tháng 4/2020), có một phần diện tích 9.599 m2 nằm trong diện tích đất quy hoạch 3 loại rừng.

Liên quan đến vấn đề này, theo Thanh tra tỉnh Đắk Nông, việc Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho thuê đất, ký hợp đồng cho thuê diện tích đất nói trên để khai thác khoáng sản là vi phạm quy định, chưa đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Thậm chí, tại mỏ đá Granite ở xã Đắk Hòa còn xảy ra tình trạng khai thác trước thời điểm đăng ký với cơ quan quản lý, trước thời điểm ký hợp đồng thuê đất, số tiền thuê đất tính theo đơn giá hợp đồng thuê đất là hơn 70 triệu đồng.

Tại huyện Đắk R’lấp, giai đoạn từ 2013 - 2021, Công ty FICO Đắk Nông đã sử dụng đất khai thác đá xây dựng khi chưa được cho thuê đất. Việc làm này không đúng nội dung giấy phép khai thác khoáng sản số 06 ngày 26/2/2013 của UBDN tỉnh Đắk Nông, không đúng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 152 Luật Đất đai...

Cho đến năm 2021, diện tích đất mỏ đá bazan, ở thôn 3, xã Kiến Thành, huyện Đắk R’lấp mới được đưa vào chỉ tiêu đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản theo kế hoạch sử dụng đất năm 2021.

Cũng tại huyện Đắk R’lấp, mỏ đá xây dựng ở Bon PiNao, xã Đạo Nghĩa đã khai thác đá ngoài diện tích được thuê đất 4.447m2. Ngoài những sai phạm nói trên, Thanh tra tỉnh Đắk Nông cũng chỉ rõ, qua kiểm tra 8 mỏ ở trên địa bàn 2 huyện Đắk R’lấp và Đắk Song, cơ quan chức năng phát hiện có 7/8 mỏ đá hồ sơ thiết kế mỏ/báo cáo kinh tế kỹ thuật mỏ đã được chủ đầu tư phê duyệt, nhưng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản.

Mặt khác, có 6/8 mỏ đá có tình trạng lấn chiếm, sử dụng đất chưa được cho thuê, đất quy hoạch mục đích sử dụng khác để làm văn phòng, khu chế biến, bãi đá thành phẩm, bãi thải, xây dựng các hạng mục mỏ... Đồng thời, có 2/8 mỏ đá không bàn giao cắm mốc khép góc ranh giới cho thuê đất; 4/8 mỏ đá thực hiện cắm mốc ranh giới cho thuê đất chưa đầy đủ, chưa đúng vị trí...

Điều đáng nói, qua kiểm tra tại 8 mỏ đá, có việc lập bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực đất đai không đúng thực tế hiện trạng khai thác, chưa thể hiện đầy đủ thông tin để xác định trữ lượng đã khai thác, trữ lượng khoáng sản còn lại, tầng phủ đã xúc bốc. Hơn nữa, cả 8 mỏ đá đều khai thác không đúng thiết kế mỏ. Bên cạnh đó, chưa thực hiện báo cáo kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành mỏ đá theo báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt; chưa lập hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; chưa được cơ quan chức năng kiểm tra, xác nhận việc hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường giai đoạn vận hành.

Không chỉ vậy, qua thanh tra, tại 8 mỏ đá có thực tế khối lượng khoáng sản đã khai thác lớn hơn khối lượng khoáng sản đã kê khai, thực hiện nghĩa vụ phí bảo vệ môi trường, Thuế tài nguyên với giá trị hơn 1 tỉ đồng.

Nhiều doanh nghiệp “chây ì” nộp tiền cấp quyền khai thác

Không dừng lại ở các sai phạm trên, theo thông báo kết luận thanh tra, UBND tỉnh Đắk Nông đã có quyết định cho phép Công ty TNHH Thương mại Chính Trường được tiếp tục hoạt động khai thác đá nhưng phải nộp hơn 1,3 tỉ đồng nợ cấp quyền khai thác trong hạn ngày 31/12/2017.

Tuy nhiên, sau 31/12/2017. Công ty Chính Trường này vẫn không nộp tiền cấp quyền khai thác. Thế nhưng, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông đã chậm tham mưu xử lý hơn 3 năm.

Cho đến tháng 10/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường mới tham mưu UBND tỉnh thu hồi giấy phép khai thác của Công ty Chính Trường.

Trên địa bàn huyện Đắk R'lấp và huyện Đắk Song còn có 4 mỏ đá còn nợ chưa nộp ngân sách tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với số tiền hơn 2,4 tỉ đồng.

Cũng tại hai huyện này, cũng tồn tại 5 mỏ đá nợ tiền ký quỹ phục hồi môi trường với số tiền hơn 280 triệu đồng, chưa chấp hành quy định; có 6 mỏ đá còn nợ phí bảo vệ môi trường số tiền hơn 665 triệu đồng.

Theo Thanh tra tỉnh Đắk Nông, các vi phạm nêu trên trách nhiệm chính thuộc về các doanh nghiệp chủ đầu tư khai thác mỏ đá. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường thời kỳ 2018-2021 chịu trách nhiệm trong quản lý, đôn đốc, xử lý việc thực hiện nộp tiền ký quỹ phục hồi môi trường; trách nhiệm tham mưu thuộc Phòng Khoáng sản – Tài nguyên nước. Cơ quan Thuế chịu trách nhiệm trong việc đôn đốc, xử lý việc thực hiện nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, phí bảo vệ môi trường...

Trên cơ sở những kết luận nêu trên, Thanh tra tỉnh Đắk Nông kiến nghị UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Đắk R’lấp, UBND huyện Đắk Song tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân trong công tác quản lý và tham mưu quản lý hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản và đất đai tại các mỏ đá trên địa bàn./.

Nguyễn Chính