Để nông dân trồng lúa có lãi là một mục tiêu luôn đặt ra không những cho nông dân mà còn cho cả chính quyền từ trung ương đến các địa phương, các nhà khoa học cũng như các doanh nghiệp phục vụ nông nghiệp.

 

 

Những năm gần đây, nhiều bà con tham gia các mô hình như liên kết bốn nhà ở Tây Ninh, cánh đồng mẫu lớn sau này là cánh đồng lớn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, Đồng bằng Bắc bộ, chương trình “1 phải, 5 giảm”, mô hình liên kết sản xuất giống lúa ST ở Sóc Trăng... đều cho năng suất cao và tăng lợi nhuận. Khi tham gia các mô hình này, bà con được các nhà khoa học tập huấn và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật và khi áp dụng các tiến bộ này sẽ giảm khá nhiều chi phí đầu tư, giảm hơn 50% giống gieo sạ, sử dụng các loại phân bón tiết kiệm, chống thất thoát, lượng bón giảm từ 30-40%, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, giảm công chăm sóc... Và như vậy sẽ giảm chi phí đầu tư đồng thời năng suất và chất lượng lúa vẫn không giảm mà còn tăng, chính những điều này đã tạo ra lợi nhuận cho bà con.

 

Từ những mô hình này, chúng ta thấy được vai trò khoa học kỹ thuật rất quan trọng. Đặc biệt là trong xu thế cạnh tranh của thị trường thế giới, một sản phẩm nông nghiệp trong đó có lúa nếu không áp dụng các tiến bộ kỹ thuật thì giá thành cao, chất lượng không tốt và không thể có lãi. Ở Việt Nam, các nhà khoa học nông nghiệp luôn nghiên cứu, sáng tạo để tìm ra nhiều giải pháp tối ưu nhất giúp bà con, những hộ nông dân áp dụng các tiến bộ này đều có lãi. Tuy nhiên, để những biện pháp canh tác mang tính khoa học ưu việt này được áp dụng rộng rãi còn tùy thuộc rất nhiều vào bà con nông dân. Bà con mình phải thay đổi suy nghĩ và mạnh dạn tiếp nhận những cái mới, cùng liên kết, hợp tác với nhau để có diện tích đủ lớn thuận lợi cho việc cơ giới hóa, chăm sóc, thu hoạch một cách dễ dàng. Làm được việc này, chính bà con mình đã tự nâng cao được giá trị của lúa gạo Việt Nam và từ đó trồng lúa sẽ cho lợi nhuận.

 

Theo NTD

.