Bức tranh nợ xấu Ngân hàng Nhà nước công bố tại họp báo chiều 12/7 bi quan hơn nhiều so với những gì đưa ra tại cuộc họp sơ kết ngành diễn ra cuối tuần trước.

 

 
Chiều nay, tại cuộc họp về vấn đề nợ xấu, ông Nguyễn Hữu Nghĩa – Quyền Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước cho biết, tỷ lệ nợ xấu theo kết quả giám sát của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng là 8,6% (tương đương 202.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, đây là con số chốt vào ngày 31/3 chứ không phải tính hết 6 tháng đầu năm. Lý giải về thời điểm chốt con số nợ xấu quá xa so với hiện nay, ông Nghĩa cho biết Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng báo cáo hàng quý và thường phải chậm hơn một tháng rưỡi thì các nhà băng mới hoàn tất báo cáo. Thêm vào đó, Ngân hàng Nhà nước cần có thời gian xử lý dữ liệu nên gần 2 tháng sau mới có số liệu.
 
Còn theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tính đến ngày 31/5, nợ xấu là hơn 117.000 tỷ đồng, chiếm 4,47% tổng dư nợ.
 
Trong khi đó, tại diễn đàn Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước báo cáo nợ xấu toàn ngành khoảng 10%.
 
Giải thích về việc có quá nhiều con số về nợ xấu, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết đó là do mỗi bên có một chuẩn mực phân loại nợ khác nhau.
 
Trả lời câu hỏi của về nợ có khả năng mất vốn trong hệ thống hiện nay, Quyền Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước thừa nhận hiện có 117.700 tỷ đồng (tương đương 40% tổng nợ xấu) bị phân vào nhóm 5 (nhóm nợ xấu nguy cơ rủi ro cao nhất). “Tuy nhiên, cần lưu ý đây không có nghĩa là nợ chắc chắn mất vốn bởi tất cả những khoản nợ này đều đã được trích lập dự phòng và có tài sản đảm bảo tương đối cao nên không thể mất trắng”, ông Nghĩa khẳng định.
 
Ngân hàng Nhà nước cho biết, tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam vẫn thấp hơn một số nước trong khu vực tại thời điểm Chính phủ đứng ra xử lý nợ. "Tỷ lệ nợ xấu dù ở 4,47% theo báo cáo của các ngân hàng hay 8,6% theo kết quả giám sát vẫn thấp hơn so với tỷ lệ nợ của Hàn Quốc 17% (tháng 3/1998), Thái Lan (47,7% (tháng 5/1999), Malaysia 11,4% (tháng 9/1998) hay Indonesia trên 50% (năm 1999)", báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết.
 
Bên cạnh đó, 85% các khoản nợ trong số hơn hai trăm nghìn tỷ nợ xấu hiện nay đều được bảo đảm bằng tài sản. Tổng giá trị tài sản bảo đảm bằng 135% tổng nợ xấu. Nhà điều hành cũng khẳng định, tỷ lệ nợ xấu thấp nhưng không được trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ và thiếu tài sản bảo đảm có thể còn nguy hiểm hơn là tỷ lệ cao nhưng đã được trích lập và có tài sản bảo đảm đầy đủ.
 
Về việc thành lập công ty mua bán nợ quốc gia (AMC) để xử lý nợ xấu, Quyền Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước khẳng định không cần dùng đến 100.000 tỷ tiền mặt để xử lý. "Nếu có thành lập AMC thì chúng tôi cũng phải sử dụng nhiều công cụ tài chính để xử lý nợ. Về giá trị danh nghĩa các khoản nợ có thể lên đến 100.000 tỷ nhưng thực tế khi AMC đứng ra mua bán với các tổ chức tín dụng sẽ dựa trên cơ sở chiết khấu nên số tiền sẽ không nhiều như vậy", ông Nghĩa lý giải.
 
Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, nợ xấu hiện đọng chủ yếu trong các lĩnh vực như sản xuất, công nghiệp và xây dựng. Trong khi đó, dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản và chứng khoán đều không cao. Tính đến cuối tháng 5, dư nợ cho vay đầu tư bất động sản là 197.000 tỷ đồng (chiếm 6,5% dư nợ cho vay) trong khi cho vay đầu tư chứng khoán chỉ còn 12.000 tỷ. Con số nợ xấu do đầu tư bất động sản cũng chỉ 12.000 tỷ (chiếm 13% tổng nợ xấu ngân hàng). Quyền Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước đánh giá: “Những con số này đều không phải quá lớn”.
 
Theo VnExpress
.