Ngày 30/7, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì và phát biểu tại Hội nghị về lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn TP HCM.

leftcenterrightdel
 Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì và phát biểu tại hội nghị.

Theo ông Lê Trần Kiên, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, trong năm 2017 - 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn thành phố có gần 6.830 công trình vi phạm, gồm hơn 3.320 trường hợp sai phép (chiếm gần 49%), xây dựng mà không xin phép và hơn 2.570 xây dựng không phép trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trên đất không được phép.

Vi phạm nhiều nhất là việc xây dựng công trình không phép, sai phép. Thậm chí là ở các quận, huyện vùng ven như xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), Bình Mỹ (huyện Củ Chi), Đông Thạnh (huyện Hóc Môn), Phú Hữu, Phước Long B (quận 9), Linh Trung, Tam Phú (quận Thủ Đức)… xây dựng không phép thành từng khu với hàng chục công trình.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết việc lập lại trật tự xây dựng, nhất là xây dựng trái phép bắt buộc phải làm và làm bằng được, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc cùng với sự đồng thuận của nhân dân.

leftcenterrightdel
Một công trình xây dựng không phép.

“Có nơi cán bộ nói với tôi, một số người vào làm cán bộ xã tận dụng để tích lũy cho bản thân từ việc làm trái pháp luật. Họ chấp nhận rủi ro, khi bị đuổi việc thì đã kịp có tích lũy nhiều. Không cho phép cán bộ có những suy nghĩ như vậy, không ai cho phép vào làm một thời gian cố tình vi phạm nhằm có thu nhập bất hợp pháp”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân tỏ rõ quan điểm.

Theo Bí thư Thành ủy TP HCM, cán bộ làm việc nhà nước phải thực thi luật pháp, không được làm trái pháp luật. "Làm trái chắc chắn sẽ bị xử lý về cả mặt chính quyền và mặt Đảng. Thành phố đã xử lý một số vụ ở huyện Bình Chánh, cũng như quận Thủ Đức đã xử lý các cán bộ sai phạm và sắp tới thành phố sẽ tiếp tục xử lý một số quận huyện khác sai phạm", Bí thư Thành ủy TP HCM khẳng định.

Về xử lý sai phạm của người dân xây dựng nhà trái phép, Bí thư Thành ủy yêu cầu phải rà soát lại thật kỹ, làm việc và xử lý trên tinh thần “tạo điều kiện cho người dân có nhà để ở”, bởi có thể họ biết xây dựng hay mua nhà trái phép là vi phạm pháp luật nhưng vì họ bức bách, khẩn thiết có nhu cầu về nhà ở.

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cũng chỉ đạo các quận, huyện tập trung tổng rà soát, đánh giá tình hình xây dựng trên địa bàn và chỉ rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và người đứng đầu trong việc để xảy ra các sai phạm về xây dựng không phép, sai phép, không đúng quy hoạch đã được phê duyệt.

Rà soát và kiên quyết tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng theo các Quyết định xử lý vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND quận, huyện; Chánh Thanh tra Sở Xây dựng và của Chủ tịch UBND Thành phố.

Chủ tịch UBND TP HCM cũng giao Công an Thành phố khẩn trương xác minh, xử lý hình sự đối với các đối tượng vi phạm nhiều lần, mức độ vi phạm nghiêm trọng, đặc biệt là các đối tượng đầu nậu, đầu cơ, xây dựng công trình không phép trên đất nông nghiệp, tự ý phân lô bán nền để trục lợi, gây ảnh hưởng xấu đến quy hoạch chung, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Giao Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan để đề xuất giải pháp chế tài nhằm nâng cao hiệu lực quản lý về trật tự xây dựng, như: Các biện pháp, giải pháp ngăn chặn hành vi vi phạm trật tự xây dựng; không cung cấp dịch vụ điện, nước đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng.

Các giải pháp cưỡng chế, xử lý nhanh đối với công trình xây dựng không phép không đủ điều kiện cấp phép. Các giải pháp cưỡng chế khấu trừ tiền tiền tài khoản của đối tượng vi phạm. Việc xử lý hình sự đối với các vi phạm về trật tự xây dựng.

Theo lãnh đạo Ban Nội chính Thành ủy, lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng là một trong những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng nhất hiện nay. Hành vi tiêu cực, tham nhũng không chỉ xuất phát từ cán bộ quản lý trật tự xây dựng, mà còn từ phía chủ công trình hoặc nhà thầu thi công./.

Nguyễn Lánh - Đình Quân