Nha Trang có một điểm đến có tiếng, được du khách ưa thích: chợ Đầm. Kề chợ Đầm là hai chung cư A và B nối tiếp nhau, cũ kỹ, thâm nhám, sứt mẻ. Chung cư chợ Đầm quy mô 4 tầng, gồm hơn 360 căn hộ, diện tích 49 m2/căn, thiết kế “ôm” lấy nhà tròn chợ Đầm. Mỗi chung cư gồm hai khối, tựa lưng vào nhau, quay mặt về hai hướng. Do nằm sát chợ Đầm, nên những con đường quanh chung cư cũng thành… phố chợ.
Ông Trần Văn Tình- Tổ phó Tổ dân phố Chung cư A, kể: Chung cư A được xây dựng trước 1975. Thời điểm giải phóng, công trình mới xây xong phần khung. Sau giải phóng chính quyền ta tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và đến năm 1980 được cấp cho cán bộ. Chung cư B xây sớm hơn, hoàn thành, sử dụng năm 1973.
|
|
Chung cư chợ Đầm đã hơn 40 năm tuổi... |
Thời bao cấp, cuộc sống khó khăn, nhà nhà đều ngăn công trình phụ để chăn nuôi heo, gà. Chất thải, hầu như đều được “tống” qua ống thoát vệ sinh, khiến ống liên tục bị tắc, nghẽn. Sau mấy chục năm, nhà đã xuống cấp nghiêm trọng. Bê tông xì, bục. Hệ thống cấp nước, thoát nước chỉ được sửa chữa, chắp vá và chưa từng được thay thế, nên từ lâu đã bị nát, xì, vỡ. Từ hàng chục năm qua, người dân phải sống chung với… thấm, dột. Gần như 100% số căn hộ đều bị dột. Nước rỉ quanh năm, tầng trên thấm xuống tầng dưới. Trời mưa, phải dùng chậu hứng nước.
|
|
Trần nhà bị xì, nổ nham nhở |
|
|
Khu vực trần nhà vệ sinh bị thấm dột loang lổ, nổi những vết ố vàng vằn vện |
Hệ thống đường dây điện bị thoái hóa, mục nát, thường xuyên gây chập điện, có khi gây cháy. Trong khi, công trình không có thiết kế hệ thống phòng cháy, chứa cháy.
“Mới nhất là vụ cháy vào đúng sáng ngày rằm tháng Giêng. Tôi từ trong nhà ra đường thì thấy khói đen bốc lên từ nhà số 22, trong lúc cửa nhà khóa. Trong ít phút, lửa khói ngùn ngụt. Chúng tôi hô hoán, huy động bình chữa cháy, búa, xà beng phá cửa. Đây là khu chợ buôn bán, toàn hàng dễ cháy, may phát hiện kịp thời chứ chậm, cháy lan, cả khu chợ này thành biển lửa”- ông Tình thảng thốt.
|
|
Đường dây điện vắt ngang mớ lộn xộn của ban công, cây dại và đường ống thoát nước đã xì, nổ, nguy cơ chập, cháy cao |
Tôi đi một vòng quanh chung cư A, để “thẩm định” lời ông Tình. Chung cư hầu như không còn chỗ nào lành lặn. Trụ, sà, trần vá víu, bê tông xì, nổ nham nhở, lòi những lõi sắt đã rỉ mục; có nơi sắt hầu như đã rơi rụng. Tường rạn nứt chằng chịt, những khối bê tông như muốn rơi xuống. Khu công trình phụ của các căn hộ lép nhép nước, bé tẹo và tối tăm, trần thấm dột nổi những vết ố vàng vằn vện, cặn tích tụ thành mảng.
|
|
Bê tông nổ, cốt thép rơi rụng |
Đấy dù sao vẫn là... mặt tiền. Phần giữa chung cư, khoảng không gian hẹp nơi hai khối nhà đấu lưng với nhau, mới là khu vực... khó coi nhất. Những ban công, cửa sổ hầu hết được cơi nới, vá víu, lố nhố, luộm thuộm. Hệ thống đường ống to nhỏ với đủ vật liệu gang, bê tông, nhựa nhằng nhịt, ướt sũng, bám đầy cặn đen. Ẩm ướt thường trực khiến những bức tường loang lổ, rêu mốc. Dương xỉ, bồ đề và cây dại mọc đầy. Vắt ngang qua hệ thống đường ống ẩm ướt và rối rắm là đường dây điện ba pha.
|
|
Trần nứt nẻ, sắt rỉ sét, những khối bê tông như muốn rơi xuống |
Chung cư B hoàn thành đồng bộ trước giải phóng, được cho có chất lượng khá hơn, nhưng tình trạng cũng chẳng hơn nhiều. Ông Trịnh Kim Hùng- Tổ trưởng Tổ dân phố Chung cư B, cho biết, những năm qua, dân đóng góp tiền gia cố chung cư hai lần, vào các năm 2009 và 2017. Chủ yếu là trám trét các vị trí xì nổ trên tường, trần, chống thấm và gia cố sắt lan can.
|
|
Phần giữa chung cư, khoảng không gian hẹp nơi hai khối nhà đấu lưng với nhau, mới là khu vực... khó coi nhất |
“Vá dặm bên ngoài vậy, chứ nhà đã xuống cấp nặng, thấm dột thông từ tầng ba xuống đến tầng trệt. Đường điện chập cháy liên tục. Nhiều năm trước nghe thông tin tỉnh chủ trương giao cho nhà đầu tư lập dự án, đập bỏ hai chung cư, xây tại khu này một tòa nhà 18 tầng. Thế nhưng mới là... chủ trương. Chỉ với việc cải tạo chợ Đầm, bốn năm năm nay nhà đầu tư loay hoay, “bơi” đã xong đâu!”- Ông Hùng ngao ngán.
Nguyễn Huân