Liên quan vấn đề mua lại sân vận động Chi Lăng, Sở TN-MT Đà Nẵng vừa cho biết, cuộc thương thảo với phía ngân hàng để lấy lại sân vận động này đã thất bại bởi số tiền chuộc là quá lớn. Sân vận động Chi Lăng là “niềm kiêu hãnh một thời của bóng đá Đà Nẵng”. Sân vận động này gắn liền với bóng đá TP Đà Nẵng và được coi là “chảo lửa của bóng đá Đà Thành”.

leftcenterrightdel
 Sân vận động Chi Lăng một thời là niềm kiêu hãnh của bóng đá Đà Nẵng và được gọi là "chảo lửa Chi Lăng".

Sân vận động Chi Lăng có tổng diện tích 55.061m2 tọa lạc tại vị trí trung tâm TP Đà Nẵng. Năm 2011, theo yêu cầu của Công ty CP Tập đoàn Thiên Thanh (Tập đoàn Thiên Thanh), TP Đà Nẵng đã phê duyệt sơ đồ ranh giới để chuyển mục đích sử dụng đất cho doanh nghiệp này. Trong quá trình đó, để thuận tiện cho giao dịch với ngân hàng, Tập đoàn Thiên Thanh xin và được Đà Nẵng cấp 10 Giấy chứng nhận sử dụng đất nằm trong diện tích sân vận động này. Sau đó Tập đoàn Thiên Thanh thế chấp các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này và vay của ngân hàng Xây dựng với 2 pháp nhân là Tập đoàn Thiên Thanh và ông Phạm Công Danh.

Theo bản án 332 năm 2016 của TAND TP HCM và bản án phúc thẩm hình sự số 30 năm 2017 của TAND cấp cao TPHCM thì đến thời điểm này sân vận động Chi Lăng là một trong những tài sản đang được kê biên để đảm bảo việc thi hành án bởi bản án đã có hiệu lực.

Sau đó, TP Đà Nẵng đã nhiều lần có động thái xin mua lại sân vận động này. “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng đã có nguyện vọng và kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ xin giữ lại sân vận động Chi Lăng. Thực hiện ý kiến của Thủ tướng, Tổng cục Thi hành án thuộc Bộ Tư pháp - là cơ quan đầu mối chỉ đạo trong công tác thi hành án đối với bản án nêu trên - đã tổ chức một buổi làm việc.

Tuy nhiên, tại phiên làm việc đó, đoàn công tác của TP Đà Nẵng và ngân hàng Xây dựng không có điểm gặp nhau, có những vấn đề xung đột về mặt lợi ích kinh tế nên đề xuất xin giữ lại sân vận động này không thành”, ông Võ Nguyên Chương – Phó Giám đốc Sở TN-MT TP Đà Nẵng cho hay.

leftcenterrightdel
 Sân vận động Chi Lăng lúc còn được tổ chức các trận đấu và là sân nhà của đội bóng của TP Đà Nẵng.

Cụ thể, Đà Nẵng xin giữ lại sân vận động và hoàn trả lại số tiền 1.251 tỉ đồng mà Tập đoàn Thiên Thanh đã nộp vào ngân sách thành phố. Tuy nhiên, phía ngân hàng Xây dựng xác định toàn bộ diện tích đất sân vận động và ông Phạm Công Danh phải có nghĩa vụ trả là 8.408 tỉ đồng; trong đó tiền gốc là 4.000 tỉ đồng, 4.008 tỉ đồng là lãi phát sinh.

Ngoài ra, trong 10 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì có 1 Giấy chứng nhận đã thế chấp tại ngân hàng Xây dựng với tổng số tiền cả gốc lẫn lãi tính đến thời điểm thương lượng là 317 tỉ đồng. Từ đây, giữa mức yêu cầu của Đà Nẵng có thể chi ra để giữ lại sân vận động và số tiền nợ của ông Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh phải trả cho ngân hàng chênh lệch nhau quá lớn nên phía ngân hàng đã không đồng ý.

Như Báo Bảo vệ pháp luật đã đưa tin, từ trước năm 2020, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã xem xét mọi khả năng để lấy lại sân vận động Chi Lăng, phương án trả lại tiền để lấy sân Chi Lăng phải được người dân đồng ý. Từ thời điểm này, chính quyền TP Đà Nẵng cũng đã nỗ lực thực hiện các bước để lấy lại sân vận động này.

“Chúng ta đã biết người dân Đà Nẵng gọi sân vận động Chi Lăng là “chảo lửa Chi Lăng”, nó gắn bó lâu đời với người dân TP Đà Nẵng. Nguyện vọng của nhân dân thành phố nói chung cũng như lãnh đạo thành phố là muốn lấy lại sân vận động này. Lãnh đạo thành phố đã họp và thống nhất chủ trương giao các ngành nghiên cứu đề xuất các giải pháp để lấy lại”, lãnh đạo TP Đà Nẵng thời điểm này đã nêu ra ý kiến như vậy.

Về sân vận động Chi Lăng, giai đoạn năm 2010-2011, chính quyền TP Đà Nẵng bán sân vận động này cho Tập đoàn Thiên Thanh (nơi ông Phạm Công Danh làm Chủ tịch HĐQT) với giá khoảng 1.400 tỉ đồng. Theo đó, tháng 10/2010, Tập đoàn Thiên Thanh có văn bản gửi UBND TP Đà Nẵng xin đầu tư Khu phức hợp thương mại – dịch vụ với diện tích 55.061m2 trên nền sân vận động Chi Lăng. Ngày 29/10/2010, Công ty Quản lý và Khai thác đất TP Đà Nẵng đã ký hợp đồng giao đất số 328/HĐ-GQSDD/KTQD với Tập đoàn Thiên Thanh, giao sân vận động Chi Lăng cho Tập đoàn này. 

leftcenterrightdel
 Hiện tại, sân vận động Chi Lăng trở nên hoang phế và đang chờ để được san ủi, tháo dỡ.

Ngày 10/1/2011, Tập đoàn Thiên Thanh có kiến nghị HĐND, UBND TP Đà Nẵng xin tách Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của sân vận động Chi Lăng để chia cho các công ty thành viên nhằm thuận lợi trong việc huy động vốn thực hiện dự án. Cuối tháng 1/2011, Tập đoàn Thiên Thanh chia tách sân vận động Chi Lăng thành 14 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sau đó đưa những Giấy chứng nhận này đi thế chấp vay tiền ngân hàng.

Sân vận động Chi Lăng cùng với khu đất tại 209 Trường Chinh TP Đà Nẵng hiện là tài sản của Tập đoàn Thiên Thanh và đang trong thời kỳ thi hành án liên quan đến vụ án Phạm Công Danh. Tổng giá trị phải thi hành án của hai tài sản này là khoảng hơn 3.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, đến nay ngân hàng xác định toàn bộ diện tích đất sân vận động và ông Phạm Công Danh phải có nghĩa vụ trả là 8.408 tỉ đồng.

Xuân Nha