(BVPL) - Câu chuyện xe công đã được nói đến rất nhiều, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng hiện vẫn có tới 7.000 xe công đang dư thừa. Không những vậy, các Bộ, ngành, địa phương vẫn tiếp tục sắm mới 611 chiếc xe. Trong khi đó, chủ trương khoán xe công gần như “giậm chân tại chỗ”.
 


Nghịch lý thừa xe nhưng vẫn sắm mới đang “ngốn” của ngân sách Nhà nước một khoản tiền khổng lồ. Trước việc có không ít cơ quan như: Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đang dư thừa hàng trăm xe công, đại diện Cục Quản lý Công sản, Bộ Tài chính lí giải: Việc dư thừa xe là do trước Quyết định 61 năm 2010 về quản lý tài sản công, mỗi cơ quan hiện đang có bao nhiêu xe, ví dụ như 5 xe, thì giữ luôn ngưỡng đó trong suốt mấy năm qua, vô hình trung đây trở thành định mức xe cho đơn vị. Ngoài ra, có trường hợp ở một số nơi dù đã mua xe mới để thay xe cũ nhưng lại không thanh lý những xe không sử dụng.

Trong bối cảnh phương tiện công cộng phát triển, quy định về quản lý và sử dụng xe công ban hành 5-7 năm trước là không còn phù hợp. Do đó từ năm 2015, ngoài định mức cụ thể đối với chức danh thuộc đối tượng được sử dụng xe công thì một sở, ngành chỉ có 1-2 chiếc xe công phục vụ công tác chung. Để được trang bị 1 xe công phục vụ công tác chung thì người lãnh đạo cao nhất của đơn vị phải có hệ số phụ cấp từ 0,7 trở lên. Tuy nhiên, đến ngày 16-6, tức là quá hạn gần 3 tháng nhưng mới chỉ có khoảng 70% số Bộ, ngành, địa phương gửi báo cáo rà soát, sắp xếp xe công về Bộ Tài chính. Bộ Tài chính sẽ có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về quản lý và sử dụng xe, đồng thời kiến nghị Chính phủ có văn bản nhắc nhở đối với các Bộ, ngành chưa có báo cáo rà soát xe công.

Trong tổng số gần 40.000 xe công thì có đến 30% số xe đến hạn thanh lý, ước tính hơn 11.000 chiếc. Đó là xe sử dụng quá 15 năm hoặc chạy trên 250.000km, còn đối với vùng sâu, vùng xa, miền núi là 200.000km. Thực tế, chi phí vận hành bình quân một chiếc xe công là 320 triệu đồng/năm, nhưng đối với xe có tuổi thọ trên 15 năm thì chi phí bảo trì, bảo dưỡng rất tốn kém, cộng với việc tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn xe mới. Tuy nhiên, việc thanh lý xe cũ để thay thế xe mới thì cần đặt mục tiêu đảm bảo công việc cho cơ quan Nhà nước, xe sử dụng đúng mục đích và đảm bảo an toàn, không lãng phí.

Khoán xe công, vì sao không được “mặn mà”

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng lộ trình khoán xe công. Văn phòng Quốc hội là nơi thực hiện chủ trương khoán xe công và có một số người nhận khoán với mức chi phí 10 triệu đồng/tháng, nhưng không nhiều người hưởng ứng. Tuy nhiên, người lái được xe thì cho rằng, tự lái xe riêng đi làm, thoải mái, chủ động, việc nhận khoán có lợi cho ngân sách, lại vừa có thiện cảm trong mắt người dân. Tuy nhiên, vấn đề phiền toái nhất khi nhận khoán xe, là sự khác biệt giữa xe “biển trắng” và xe “biển xanh”. Bởi lẽ, xe biển xanh sẽ có nhiều ưu tiên khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, việc khoán xe với mức tạm tính 10 triệu đồng/tháng của Văn phòng Quốc hội cũng chưa được nhiều người “mặn mà” bởi mức kinh phí đó không thật sự hấp dẫn. Những người không đi xe riêng, không biết lái xe, không thích lái xe, nếu phải đi lại nhiều mà di chuyển bằng phương tiện taxi thì mức khoán đó chưa đủ bù chi phí.

Theo ý kiến của nhiều người, muốn chủ trương này trở thành chính sách chung, được nhiều người thực hiện thì cần nghiên cứu thêm, ví dụ tính toán từng vị trí công tác, nhu cầu sử dụng xe... để có nhiều mức khoán hợp lý hơn.

Minh bạch để người dân “giám sát” … xe công

Hiện nay, có hiện tượng, trong cùng một hệ thống, cán bộ được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo mới không dùng lại xe công của người tiền nhiệm, hay cơ quan này không dùng xe công dư thừa của cơ quan khác. Điều này được nhận định là một biểu hiện vi phạm các quy định chung gây ra lãng phí. Những người thực hiện nhiệm vụ xem xét, phê duyệt, mua sắm phương tiện, hoặc thực hiện việc mua sắm phương tiện chưa kiên quyết, chưa thực sự công bằng khi triển khai việc này. Nếu tất cả cùng nghiêm túc thực hiện vấn đề này, và công khai cho dư luận, nhân dân biết thì có thể sẽ hạn chế được hiện tượng lãng phí.

Giải pháp để tránh lãng phí xe công được đưa ra là phải rà soát tiêu chuẩn được sử dụng xe công. Trên cơ sở đó, xây dựng một khung quy định mới phù hợp hơn. Tổ chức các cuộc họp trực tuyến, có những phương tiện thông tin liên lạc thông suốt thì cần nghiên cứu lại các định mức này, quy định lại cho phù hợp. Bên cạnh đó, phải tăng cường trách nhiệm của cơ quan chức năng, của cơ quan chuyên trách quản lý vấn đề này. Đồng thời, phải xem xét trách nhiệm trực tiếp của người sử dụng xe công. Phải công khai, minh bạch ở các đối tượng, tiêu chuẩn sử dụng xe và quá trình sử dụng xe công để người dân biết việc sử dụng xe này có đúng đối tượng, đúng mục đích không. Nếu thực hiện tốt các giải pháp đó thì sẽ góp phần chấn chỉnh được hoạt động quản lý và sử dụng xe công.
 

Minh Đức

.