Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia dự báo GDP bình quân giai đoạn 2015-2020 nhiều khả năng tăng xấp xỉ 6,7%.




Dẫn chứng cụ thể bằng mô hình định lượng, Ban Phân tích và Dự báo thuộc NCIF đưa ra ba kịch bản tăng trưởng cho 5 năm tới. Trong kịch bản chủ yếu, tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2016-2020 có thể đạt mức 6,67%, trong khi lạm phát duy trì ở mức thấp dưới 5%. Nếu lạc quan hơn, Việt Nam có thể tăng trưởng tới 7,04% trong hoàn cảnh tiến trình cải cách cũng như chuyển đổi nền kinh tế diễn ra mạnh mẽ hơn, những nguy cơ đe dọa như nợ công hay nợ xấu được giải quyết triệt để.

Ngược lại, nếu nền kinh tế tiếp tục phát triển như mô hình cũ, những rủi ro về hệ thống tài chính và nợ công ngày một lớn và gặp thêm những tác động tiêu cực từ kinh tế thế giới, Việt Nam sẽ gặp phải những biến cố khó lường, tốc độ tăng trưởng chỉ đạt khoảng 6% và lạm phát tăng cao trở lại lên mức 7.

Để nền kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đảm bảo được bền vững trong dài hạn, tiến sĩ Đặng Đức Anh - Ban Phân tích và Dự báo đề xuất Việt Nam cần phải giải quyết dứt điểm những nút thắt của nền kinh tế trong ngắn hạn, bao gồm nợ đọng trong thị trường bất động sản, nợ xấu, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần xây dựng chiến lược - quy hoạch phát triển trong dài hạn rõ ràng, có lộ trình cụ thể, định hướng phát triển ổn định để kêu gọi các nguồn đầu tư. Minh bạch công khai hóa thông tin về hiện trạng nền kinh tế cũng là biện pháp nhằm nâng cao niềm tin của giới đầu tư và tìm hướng giải quyết hiệu quả cho nền kinh tế.

Về đầu tư, Nhà nước cần phải khơi thông luồng vốn sản xuất, huy động tối đa nguồn đóng góp từ mọi thành phần xã hội để phát triển đất nước, song hành với việc đưa ra một khung giám sát và bộ chỉ tiêu đánh giá hiệu quả đầu tư, tránh đầu tư dàn trải, không hiệu quả và lãng phí nguồn lực.

Tiến sĩ Lưu Bích Hồ - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho biết nguyên nhân khiến tăng trưởng chậm trong giai đoạn 2011-2015 là do tái cơ cấu chậm, nên giai đoạn này muốn tăng trưởng tốt hơn thì phải quyết liệt tái cơ cấu. "Tôi không mong kinh tế sẽ bật ghê gớm, chỉ mong 5 năm tới sẽ tạo tiền đề để đi lên", ông phát biểu.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cũng nhận định năm 2015 là năm cuối cùng của giai đoạn 2011-2015 và tiến hành xây dựng kế hoạch 5 năm tới, nhiệm vụ đặt ra là phải tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới.

"Kinh tế 2015 ước tăng 6,5% - vượt mục tiêu đề ra, song 5 năm qua chỉ tăng trung bình dưới 6%,  thấp hơn nhiều mức 6,32% của 5 năm trước. Nhiệm vụ của giai đoạn 2016-2020 hết sức nặng nề, phải tận dụng mọi cơ hội thách thức để phát triển kinh tế", Thứ trưởng nói.

 

Theo VnExpress

.