Hà Nội sẽ chuyển đổi mục đích 42.000 ha đất lúa
Cập nhật lúc 12:24, Thứ năm, 12/07/2012 (GMT+7)
Theo quy hoạch sử dụng đất tới năm 2020, Hà Nội sẽ thực hiện chuyển đổi gần 42.000 ha đất nông nghiệp sang mục đích phi nông nghiệp. (quy hoạch, đất nông nghiệp, chuyển đổi, mục đích)
Theo quy hoạch sử dụng đất tới năm 2020, Hà Nội sẽ thực hiện chuyển đổi gần 42.000 ha đất nông nghiệp sang mục đích phi nông nghiệp.
Theo ông Vũ Hồng Khanh, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, công tác quy hoạch sử dụng đất của TP hiện còn tồn tại nhiều vấn đề như: giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án còn khó khăn, vướng mắc; công tác lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu của nhân dân và các tổ chức; quy định về quản lý đầu tư xây dựng còn nhiều bất cập. Một số chỉ tiêu quan trọng như: đất khu, cụm công nghiệp, đất phát triển hạ tầng đạt thấp; một số dự án được giao đất, cho thuê đất chậm triển khai, để hoang hóa, chậm đưa đất vào sử dụng, gây bức xúc trong nhân dân.
Theo quy hoạch, tới năm 2020, số diện tích đất nông nghiệp của Thủ đô giảm để chuyển đổi mục đích lên tới gần 42.000 ha. Trong khi đó, quy hoạch sử dụng đất phi nông nghiệp đến năm 2020 của thành phố lên gần 179.000 ha, tăng gần 44.000 ha so với năm 2010. Cụ thể, đất trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp là hơn 3.000 ha tăng hơn 1.250 ha so với năm 2010; đất khu, cụm công nghiệp lên 7.600 ha, tăng gần 3.300 ha; đất giao thông sẽ là gần 40.000 ha, tăng gần 17.000 ha so với năm 2010.
Tại phiên họp, nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn về mục tiêu kế hoạch sử dụng đất lấy gần 42.000 ha đất nông nghiệp, sẽ ảnh hưởng tới an ninh lương thực của Thủ đô. Đại biểu Nguyễn Thị Tuyến ( huyện Chương Mỹ) cho rằng thành phố cần phải đưa ra kế hoạch chuyển đổi thực hiện khu công nghiệp, trung tâm thương mại, nhà ở… mang tính khả thi mới có thể thuyết phục, tạo sự đồng thuận trong người dân. Theo đại biểu Nguyễn Đình Dương (Từ Liêm), thành phố cần phải cân nhắc lại chỉ tiêu đất trồng lúa khi đã chuyển đổi tại một số quận huyện như Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân… chỉ còn lại quy mô rất nhỏ với khoảng 0,3ha. “Để làm được nông nghiệp cần phải có hệ thống thủy lợi, vậy với số diện tích thu nhỏ như vậy liệu có đảm bảo?”, ông Dương đặt câu hỏi.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế, việc lấy đất trồng lúa cho các khu công nghiệp chỉ nên diễn ra ở vùng bán sơn địa, vùng đất bạc màu không thể tái tạo được, vì khi đã chuyển đổi rồi đất trồng lúa sẽ rất khó tái tạo được.
Lý giải việc thu hẹp đất lúa, Phó chủ tịch Vũ Hồng Khanh cho biết chỉ tiêu đất trồng lúa phải tuân thủ chỉ tiêu của Chính phủ và Quốc hội giao cho Hà Nội. “Theo quy hoạch thủ đô đất trồng lúa sẽ chỉ còn tập trung ở những nơi kèm theo điều kiện phù hợp, đảm bảo hệ thống thủy lợi như Ứng Hòa, Phú Xuyên, Mữ Đức…”, ông Khanh nói.
Vấn đề phân bổ chỉ tiêu đất giãn dân, đất thương mại cũng được các đại biểu huyện ngoại thành chú trọng. Theo đó, bản quy hoạch đã “bỏ quên” phân bổ chi tiêu đất giãn dân trong khi đây là nhu cầu rất lớn tại các huyện ngoại thành. Đại biểu Nguyễn Hữu Hoàng (Đan Phượng) nêu thực tế nhiều năm nay, chính quyền các huyện không thể cấp được đất cho các hộ mới tách. “Khó khăn về vấn đề đất nhà ở tạo áp lực cho công tác quản lý dẫn tới vi phạm của người dân lẫn cán bộ quản lý”, ông Hoàng nói.
Đại biểu Lê Văn Thư (Từ Liêm) nêu kiến nghị bản quy hoạch cần tạo cơ chế linh hoạt để các địa phương có thể chủ động điều chỉnh bổ sung, nếu không sẽ gây khó cho công tác điều hành quận huyện.
Sau khi nghe giải trình tiếp thu, HĐND TP đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015).
Theo Tuyết Trịnh
Đat Viet
.