Công trình “Cải tạo nâng cấp đường vào nghĩa trang Hòa Ninh” có tổng vốn đầu tư 13,726 tỷ đồng, khởi công từ tháng 9-2015. Theo hợp đồng ký kết, đến tháng 8-2016 sẽ hoàn thành, bàn giao, nhưng đến nay mới thực hiện được 30% khối lượng công việc. Nguyên nhân chậm trễ là do giải tỏa chậm.
 
 
Từ những ngày cuối tháng 5-2016, đoạn đường từ ngã ba Hòa Ninh, điểm tiếp giáp với đường ĐT 602 vào nghĩa trang Hòa Ninh, dễ bắt gặp cảnh tượng đường nham nhở, có đoạn đã mở rộng, đổ cấp phối, bó vỉa xong,  nhiều đoạn nhà cửa vẫn y nguyên, chưa giải tỏa bàn giao mặt bằng. Suốt chiều dài 2.180m toàn tuyến, vắng hẳn bóng dáng đơn vị thi công.
 
Bà Lê Thị Liên, ở thôn Sơn Phước- một trong nhiều nhà của khu vực này chưa giải tỏa, bàn giao mặt bằng cho hay, gia đình hiểu chủ trương mở rộng đường và tích cực phối hợp với cơ quan chức năng trong việc giải tỏa đền bù.
 
Thế nhưng, không hiểu sao đến nay, gia đình vẫn chưa nhận được bảng áp giá đền bù, trong khi việc kiểm định giải tỏa hơn 40m2 đất ở, tường rào, cổng ngõ đã làm từ lâu. Hộ ông Lê Mai Chung, thôn Mỹ Sơn, xây nhà ở từ năm 2006. Mở rộng đường, hộ ông giải tỏa 30m2 đất ở.
 
Vợ ông Chung cho biết: “Vật kiến trúc, tức tường rào, cổng ngõ và mái hiên áp giá 18,5 triệu đồng. Riêng đất ở, người ta nói không đền bù do chưa có sổ đỏ, quy là đất nông nghiệp. Gia đình không đồng tình nên chưa nhận tiền.  Làm nhà, ở ổn định hơn 10 năm nay, năm nào cũng nộp thuế đất, cho dù chưa có sổ đỏ nhưng khi giải tỏa, Nhà nước cũng phải hỗ trợ phần nào. Đằng này thu hồi không như vậy, ai đồng tình cho được”.
 
Trong khi đó, đại diện Phòng Giải tỏa đền bù số 1 thuộc Trung tâm Phát triển quỹ đất Đà Nẵng - đơn vị chịu trách nhiệm giải tỏa đền bù tại công trình này cho biết, để nâng cấp 2.180m đường từ đường ĐT 602 vào nghĩa trang Hòa Ninh, phải giải tỏa thu hồi 33.310m2 đất các loại, trong đó 9.709m2 đất thổ cư, 3.271m2 đất trồng cây lâu năm, 671m2 đất lâm nghiệp, 1.583,5m2 đất chưa sử dụng... của 217 hộ. Đến nay mới có 103 hộ nhận tiền, bàn giao mặt bằng; số còn lại đều vướng mắc, trong đó đáng kể nhất là chưa quy chủ về đất; nhiều hộ cho rằng mức đền bù thấp nên chưa chịu nhận tiền, thậm chí có hộ còn đề nghị được bố trí tái định cư...
 
Trao đổi về thực trạng này, ông Lê Đức Thương, Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh cho rằng, việc một số hộ chưa chịu nhận tiền, hoặc chưa nhận bảng áp giá, trách nhiệm thuộc về cơ quan thực hiện khâu giải tỏa. Đúng ra, vướng mắc ở khâu nào, cơ quan này phải phối hợp với địa phương tìm cách giải quyết rốt ráo, chứ để vậy có lẽ còn lâu mới giải tỏa xong. Thực ra, kiến nghị của người dân cũng có phần hợp lý, cơ quan này cần tiếp thu đề xuất thành phố có điều chỉnh kịp thời. Ví dụ, hộ đã ở ổn định hàng chục năm trời, tuy chưa có sổ đỏ, song khi giải tỏa đất ở, ít ra cũng phải hỗ trợ phần nào, để người dân bớt khó khăn.
 
Đơn vị thi công lo lắng tiến độ quá chậm, trong khi thời hạn hoàn thành công trình theo ký kết đang đến gần. Ông Nguyễn Thế Đông, chỉ huy trưởng đơn vị thi công cho biết: Những khu vực có mặt bằng đều đã thi công xong. Chờ đợi có mặt bằng thi công tiếp quá lâu, đơn vị đành phải điều chuyển nhân lực, trang thiết bị đi nơi khác, tránh lãng phí. Tiến độ giải tỏa đang rất chậm và công trình không thể hoàn thành đúng như hợp đồng ký kết là thấy rõ.
 
Theo Báo Đà Nẵng
.