Gia tốc tăng trưởng đang chậm lại
Cập nhật lúc 23:02, Thứ tư, 06/04/2016 (GMT+7)
Đây là cảnh báo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) tại Báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2016. Theo đó, cơ quan này cho rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những tháng đầu năm 2016 tiếp đà phục hồi, song đang có gia tốc chậm lại. (kinh tế Việt Nam, thị trường, tăng trưởng chậm)
Đây là cảnh báo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) tại Báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2016. Theo đó, cơ quan này cho rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những tháng đầu năm 2016 tiếp đà phục hồi, song đang có gia tốc chậm lại.
Nguyên nhân khiến tăng trưởng chậm lại, theo UBGSTCQG là do tổng cầu quý I/2016 tăng chậm hơn so với cùng kỳ năm 2015. Chỉ số sản xuất công nghiệp cũng tăng thấp hơn so với mức cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 năm 2016 sau khi loại trừ yếu tố giá tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức 10,7% của cùng kỳ năm 2015.
Cùng với đó, nhập khẩu hàng hóa giảm so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu trong những tháng đầu năm tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước (2 tháng đầu năm đạt 23,7 tỷ USD). Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa giảm 6,6% so với cùng kỳ năm 2015 (2 tháng đầu năm đạt 22,8 tỷ USD). Tính chung 2 tháng đầu năm, cán cân thương mại của Việt Nam thặng dư 865 triệu USD (cùng kỳ năm 2015 thâm hụt 61 triệu USD).
Khu vực kinh tế FDI tiếp tục là đầu tàu trong hoạt động xuất nhập khẩu khi chiếm tới 66% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước và xuất siêu 2,9 tỷ USD, góp phần bù đắp cho khu vực kinh tế trong nước (nhập siêu gần 2,1 tỷ USD). Các nhóm hàng nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước: máy móc thiết bị giảm 13,6%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép giảm 9,6%; xăng dầu giảm 33,8%.
Đáng lưu ý, lạm phát và lạm phát cơ bản có xu hướng hội tụ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 1,69% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,57% so với tháng 2. CPI tháng 3 so với tháng trước tăng ở mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây không phải do chi phí đẩy mà chủ yếu do tăng giá của nhóm dịch vụ y tế và giáo dục (y tế tăng 24,34%; giáo dục tăng 0,66% so với tháng trước). Tuy nhiên, lạm phát cơ bản 3 tháng đầu năm vẫn duy trì ở mức thấp, tăng 1,76% thấp hơn mức 2,31% của cùng kỳ năm 2015.
Trong bối cảnh đo, thu ngân sách Nhà nước gặp khó khăn do giá dầu giảm, thu từ khu vực DNNN đạt thấp so với dự toán (12,4%) và giảm mạnh (30%) so cùng kỳ 2015 do: giảm thu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất khi giá dầu giảm, giảm thu từ cổ tức và lợi nhuận còn lại...
Đặc biệt, trên thị trường tiền tệ, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đầu tháng 3 căng thẳng hơn so với tháng 2, nhưng đã dần hạ nhiệt kể từ trung tuần tháng 3. Song nhìn chung, lãi suất liên ngân hàng quý I/2016 cao hơn so với cùng kỳ 2015; lãi suất huy động ngắn hạn biến động nhẹ ở kỳ hạn 6-12 tháng. Mặt bằng lãi suất huy động chủ yếu tăng mạnh ở các kỳ hạn dài trên 12 tháng (phổ biến 7% - 8%/năm). Dự đoán trong năm 2016, lãi suất sẽ tăng thêm khoảng 1 điểm % so với năm 2015. Tuy nhiên, lãi suất cho vay sẽ vẫn trong mức kiểm soát để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Điểm sáng của nền kinh tế đó là thị trường cổ phiếu tiếp tục diễn biến tích cực trong tháng 3 nhờ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết cải thiện, các công ty lớn chuẩn bị nới room cho khối ngoại và giá dầu hồi phục. Tuy nhiên VN Index vẫn chưa vượt qua ngưỡng kháng cự 580 điểm. Nhà đầu tư nước ngoài chuyển sang trạng thái mua ròng, đạt 622 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết từ đầu tháng 3.
Theo Công an Nhân dân
.