Mỗi m2 đất mặt tiền hai tuyến phố cổ Hàng Trống, Hàng Hành (Hà Nội) đang được chào 1,25 tỷ đồng, trong khi mức giá cao nhất đã từng giao dịch thành công xấp xỉ một tỷ đồng mỗi m2.

 


Xếp vị trí thứ ba là đường Phan Chu Trinh ghi nhận 741,6 triệu đồng mỗi m2. Phố Nguyễn Biểu thuộc quận Ba Đình, xấp xỉ 730 triệu đồng. Chốt chặn ở vị trí cuối cùng của top 5 là tuyến đường Bảo Khánh được định giá 700 triệu đồng mỗi m2.

Những vị trí xếp thứ sáu đến cuối top 10 lần lượt là các phố Hàng Cá (663,3 triệu đồng mỗi m2), Hai Bà Trưng (634,4 triệu đồng), Nhà Chung (600 triệu đồng), Nguyễn Hữu Huân (582,3 triệu đồng), Độc Lập (580 triệu đồng).

Ngoài ra, đơn vị này còn cung cấp top 5 quận có giá đất cao nhất Hà Nội dựa trên phương thức tính giá bình quân. Quận Hoàn Kiếm là địa bàn dẫn đầu, ghi nhận 349,7 triệu đồng mỗi m2, bỏ xa các vị trí còn lại. Xếp thứ hai là quận Ba Đình đạt 170 triệu đồng mỗi m2. Quận Đống Đa và Hai Bà Trưng lần lượt giữ vị trí kế tiếp, có giá 139,7-121,2 triệu đồng mỗi m2. Quận Cầu Giấy nằm cuối top 5 với trên 106 triệu đồng mỗi m2.

Năm 2015, bảng giá đất của TP Hà Nội được phê duyệt và có giá trị trong 5 năm (2015 - 2019), khung đất thuộc quận Hoàn Kiếm đạt mức kịch trần theo quy định của Chính phủ, có giá cao nhất 162 triệu đồng mỗi m2. Tuy nhiên, so với giá rao bán và giao dịch thực tế, đây được xem là mức quá thấp.

Ông Nguyễn Đăng Thắng, Giám đốc Sàn bất động sản Nhà đất Hạnh Phúc, đơn vị chuyên về phân khúc này cho biết, tại Hà Nội, khu vực gần hồ Hoàn Kiếm là mức giá bất động sản đang được rao bán và giao dịch ở mức cao nhất. Theo đó, tại một số con phố như Hàng Hành, Bảo Khánh... gần đây được rao giá khoảng 1,2 tỷ đồng mỗi m2. Mức đã giao dịch thành công chỉ thấp hơn một chút, khoảng 1,1 đến 1,150 tỷ đồng một m2. Các con phố khác như Hàng Trống, Phan Chu Trinh... mức giá có "mềm" hơn một chút nhưng cũng không dưới một tỷ đồng.

"Mức giá còn phụ thuộc vào diện tích lô đất, chiều rộng của mặt tiền và giá trị công trình xây dựng trên khu đất. Những lô đất nhỏ giá mỗi m2 càng cao hơn và ngược lại", ông Thắng cho hay.

Cũng theo lãnh đạo sàn này, so với cùng kỳ năm ngoái, giá mặt phố cổ đã tăng khoảng 10-15%. Còn nếu so với khoảng 3 năm trước, mức giá một số nơi đã tăng tới 30%. Cùng với việc tăng giá, theo ông, tình hình giao dịch cũng khả quan hơn khi nguồn cầu gia tăng gấp đôi so với 2 năm trước.

"Khách hàng mua các tài sản này đa số là sở hữu cá nhân. Đôi khi mức giá bên bán đưa ra cao đến tưởng như vô lý nhưng bên mua vẫn chấp nhận và giao dịch diễn ra khá nhanh", ông Thắng cho hay. Ông cũng cho biết, đơn vị này đang được hơn 100 khách hàng có nhu cầu tìm kiếm nhà mặt phố cổ để mua, con số cao gấp nhiều lần so với khoảng 3 năm trước.

Theo khảo sát của VnExpress, hiện bất động sản tại một loạt khu vực như phố Bảo Khánh, Hàng Trống, Hàng Dầu, Cầu Gỗ, Hàng Gai, Hàng Buồm, Đinh Tiên Hoàng... đang có mức giá rao bán cao nhất, trên một tỷ đồng mỗi m2.

Một chuyên gia nhận định, nếu như tại TP HCM, giá bán trên một tỷ đồng mỗi m2 chỉ ghi nhận ở một vài vị trí cá biệt như khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ thì tại Hà Nội, mức giá bán như vậy nằm rải rác trên địa bàn rộng hơn.

"Mức giá 1,2 tỷ đồng một m2 tại TP HCM chủ yếu ghi nhận với những khách hàng, nhà đầu tư mua gom nhiều lô đất để phát triển dự án lớn. Còn tại Hà Nội, mức giao dịch trên chủ yếu là những khách hàng cá nhân", chuyên gia này đánh giá.
 

Theo Vũ Lê - Ngọc Tuyên/vnexpress

.