Nhân sự cố sập cầu Ghềnh, dư luận đang dấy lên tranh cãi xoay quanh việc có nên dời Ga Sài Gòn khỏi nội đô hay không và tới nay chưa có ý tưởng nào thuyết phục được số đông.

 

 

Ga Sài Gòn hàng năm đón tiếp khoảng 2 triệu hành khách, bốc dỡ khoảng 20.000 tấn hàng hóa, chia sẻ rất nhiều áp lực cho các phương tiện vận chuyển khác như xe khách, tàu thủy, máy bay, xe tải... qua đó góp phần đáng kể vào việc cải thiện tình hình giao thông hỗn loạn hiện tại. Trong “Quyết định điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020...”, do Thủ tướng ký ngày 8/4/2013 có chi tiết tạo hành lang pháp lý rất đáng lưu ý: “Cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn Trảng Bom - Hòa Hưng, trong đó xây dựng đoạn Bình Triệu - Hòa Hưng thành đường sắt trên cao...”. Chi phí ước tính cho “đoạn trên cao” đó, trên dưới 8 km, vào khoảng 1 tỷ USD và hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu tìm được nguồn vốn khổng lồ này.

 

Ngay cả khi 1 tỷ USD đã có sẵn và khởi công ngay hôm nay, phải mất ít nhất 5 năm nữa thì tuyến trên cao này mới thành hiện thực. Như thế, đoạn ray từ Hòa Hưng đến Bình Triệu có 13 điểm giao cắt với đường bộ sẽ vẫn liên tục gây ra các vụ kẹt và ùn ứ xe cộ trong ngày, đặc biệt vào giờ cao điểm, trực tiếp làm giảm sút chất lượng sống của người dân TP.HCM, qua đó tác động xấu đến GDP của địa phương cũng như gây ra gánh nặng cho an sinh xã hội.

 

Trên thực tế, Ga Sài Gòn có vẻ không đủ sức nâng cao năng lực đón tiếp khách và hàng hóa đang không ngừng tăng lên, do quỹ đất quá chật hẹp và ngày càng quá tải (diện tích vỏn vẹn 6,14 ha, đã được khai thác hết) trong khi đó ga Bình Triệu rộng hơn gần 7 lần. Do vậy, nếu biến Bình Triệu thành nhà ga Trung tâm, nó sẽ giải quyết được cùng lúc các bài toán hóc búa một cách khả dĩ.

 

Người đi tàu, nếu từ phía Đồng bằng sông Cửu Long lên, cũng không phải di chuyển quá xa (Đi từ quốc lộ 1 vào khoảng 2 km, lại tránh được nạn kẹt xe trong trung tâm), nếu khách ở các tỉnh như Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh hay Đông Bắc TP.HCM sẽ lợi hơn 8 km. Chỉ một phần khách, có lẽ không đáng kể, thuộc hướng Nam Sài Gòn sẽ tốn thêm vài ngàn tiền xe bus nữa mà thôi.

 

Khi ga được dời đi, đường sắt nội đô cũ sẽ trở thành đường giao thông quan trọng (xuyên Q.3, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Gò Vấp), khiến áp lực xe cộ sẽ giảm đáng kể, giúp bộ mặt thành phố bớt nhếch nhác do hết cảnh người dân sống dọc đường rầy xả rác, chăn nuôi súc vật, trồng rau, tụ tập bài bạc, nhậu nhẹt, lấn chiếm hành lang.... Ý nghĩa hơn nữa, nhà ga cũ sẽ trở thành một công trình tráng lệ nếu dùng làm trung tâm thương mại, khu dân cư, công viên chủ đề, trường học hay bệnh viện. Đến lúc này, trở ngại tài chính cho việc di dời và xây mới cũng không còn là vấn đề nữa, vì theo thời giá hiện tại, miếng đất hơn 6 ha “siêu vàng” kia có thể dễ dàng bán với giá nhiều trăm triệu USD và hàng chục đại gia kiểu như Vingroup, KhaiSilk, C.T Group, Novaland, Hưng Thịnh, Satra... lúc nào cũng sẵn sàng móc hầu bao.

 

Vậy thì có nên dời Ga Sài Gòn hay không?

 

Theo NTD

.