Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành: Người dân mong được học nghề
Cập nhật lúc 00:23, Thứ ba, 29/12/2015 (GMT+7)
Cùng với các xã thuộc huyện Long Thành: Bình Sơn, Lộc An, Cẩm Đường, Bàu Cạn, Long Phước thì Suối Trầu là "vùng lõi" của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành với 100% số hộ phải giải tỏa trắng. ( người dân, sân bay Long Thành, học nghề)
Cùng với các xã thuộc huyện Long Thành: Bình Sơn, Lộc An, Cẩm Đường, Bàu Cạn, Long Phước thì Suối Trầu là “vùng lõi” của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành với 100% số hộ phải giải tỏa trắng.
Bí thư Đảng ủy xã Suối Trầu Nguyễn Văn Tám cho biết mới đây UBND huyện đã tổ chức đối thoại với người dân. Tại buổi làm việc, điều mà cư dân mong mỏi là dự án nhanh chóng thực hiện, đặc biệt là công tác bồi thường giải tỏa, tái định cư. Mặt khác, việc tổ chức lại cuộc sống người dân tại nơi ở mới sẽ có điều kiện sống tốt hơn nơi ở cũ.
Trong khi đó, trao đổi về hướng giải quyết việc làm cho người lao động có đất bị giải tỏa, Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành Ngô Thế Ân cho biết: “Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng sẽ được tiến hành từng phần và đến năm 2018 thì hoàn thành việc giải tỏa. Phần lớn người lao động ở các xã có đất bị giải tỏa, trước đây làm nông. Vì vậy, chúng tôi sẽ mời một số nhà đầu tư thực hiện mô hình nông nghiệp công nghệ cao để đào tạo nghề phù hợp từng lứa tuổi. Hiện đã có nhà đầu tư Nhật Bản nghiên cứu về một dự án nông nghiệp công nghệ cao ở đây. Phía đối tác mong muốn tận dụng lao động dôi dư này để tổ chức doanh hiệu quả”.
Theo ông Ân, thời gian qua các sở, ngành và huyện Long Thành đã điều tra, khảo sát nắm thông tin, tham vấn ý kiến của người dân trong vùng quy hoạch dự án. Qua đó, dự kiến số lao động 16-40 tuổi sẽ được tạo điều kiện đến làm việc ở các khu công nghiệp trong khu vực; người từ 40-65 tuổi sẽ được giải quyết việc làm tại các hợp tác xã sản xuất rau sạch, cây xanh, chăn nuôi hoặc dịch vụ chăm sóc cây kiểng...
Thông qua việc quy hoạch 200 hécta đất xung quanh dự án, cơ quan chức năng sẽ bố trí thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp nhỏ. Riêng việc chuyển đổi nghề cho con em của các hộ gia đình có nhu cầu sẽ được hỗ trợ học nghề tại các trung tâm dạy nghề của huyện với những nghề, như: may mặc, sửa chữa xe máy, nấu ăn... Ngoài ra, còn một số nghề khác gồm: lái xe, điện tử, máy tính, cơ khí, xây dựng, vận hành máy chuyên dụng... các em cũng sẽ được đào tạo để có thể vào làm việc tại công ty, doanh nghiệp trên địa bàn.
Theo Báo Đồng Nai
.