Người dân tộc thiểu số ở Đồng Nai phần lớn sống ở vùng sâu, vùng xa, đời sống kinh tế còn khó khăn. Vì thế công tác chăm lo cho đời sống của đồng bào dân tộc được các địa phương đặc biệt quan tâm, nhất là trong phát triển kinh tế để ngày càng có nhiều hộ khá, hộ giàu.


Chia sẻ về kinh nghiệm giúp nhau vượt nghèo, góp phần vào thành tích chung của Xuân Lộc để trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của cả nước, ông Văn Bé, dân tộc Chơro tại ấp 8, xã Xuân Bắc, kể: “Ở vùng này, nghề chăn nuôi bò thịt mang lại hiệu quả kinh tế cao nhờ lợi thế của địa phương là có đồng cỏ rộng. Bà con dân tộc thiểu số không có vốn mua con giống nên thường bỏ công nuôi bò cho những người có vốn đầu tư. Khi đàn bò đẻ thêm bê con, người nuôi thường được chủ đầu tư chia cho 1 nửa số bê con sau 1 năm nuôi dưỡng. Theo cách này, dần dần nhiều hộ dân tộc ở đây có được đàn bò từ 5-6 con”. Kinh tế khá lên, bà con dân tộc ở ấp 8 mới có điều kiện đóng góp cả trăm triệu đồng đầu tư đường điện trung thế về tận cánh đồng phục vụ sản xuất.

Phong trào xây dựng nông thôn mới đã được đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh tích cực hưởng ứng, từ việc góp đất, góp tiền xây dựng cơ sở hạ tầng đến tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại địa phương; từ giữ gìn bản sắc dân tộc đến phong trào thi đua sản xuất... Trong đó, những già làng, trưởng bản được cộng đồng tin tưởng đóng vai trò nòng cốt trong việc tuyên truyền, vận động bà con tham gia. Già làng Điểu Trách (xã Tân Hiệp, huyện Long Thành), dân tộc S’tiêng, tự hào khoe: “Nhiều năm liền, làng tôi chưa có người vướng vào tệ nạn xã hội. Đời sống các hộ dân tộc cũng được cải thiện nhiều so với trước. Xưa mình không biết cái chữ, nay con em dân tộc được tạo điều kiện học hành, có người đi học nghề, có người vào đại học rồi quay về quê phát triển kinh tế. Về kiến thức, sự nhanh nhạy trong tiếp cận khoa học kỹ thuật, những người trẻ này không thua gì người Kinh”.



Theo Báo Đồng Nai

.