Trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng về tình trạng có quá nhiều nhà cao tầng
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) đặt câu hỏi về việc Bộ Xây dựng có nhiệm vụ thẩm định thiết kế kỹ thuật các công trình dân dụng, các dự án, công trình cấp đặc biệt, các công trình nhà ở từ 25 tầng trở lên thuộc các nguồn vốn khác.
“Vậy xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm cá nhân về tình trạng có quá nhiều nhà cao tầng được xây dựng với mật độ rất cao tại các khu đô thị lớn, nhất là Hà Nội, TP.HCM, gây rất nhiều hệ lụy cho xã hội?”, câu hỏi nêu.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết cơ quan chuyên môn Bộ Xây dựng có chức năng thẩm định công trình cấp đặc biệt từ 25 tầng trở lên theo Luật Xây dựng. Tuy nhiên, quy hoạch phân khu đối với công trình tập trung, quy hoạch riêng lẻ, quy hoạch 1/500 thuộc thẩm quyền địa phương.
|
|
Đại biểu quan tâm vấn đề quy hoạch nhà cao tầng không phát triển hạ tầng khiến quá tải, ách tắc |
“Nếu quy hoạch do địa phương phê duyệt nhưng không phù hợp, dẫn tới việc xây dựng nhà cao tầng mật độ cao là trách nhiệm của địa phương. Bộ Xây dựng có trách nhiệm thanh, kiểm tra”, ông nói.
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai cũng đặt câu hỏi về các khu đô thị bỏ hoang tại huyện Mê Linh (Hà Nội). Bà chỉ ra Bộ Xây dựng có nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra hoạt động đầu tư phát triển đô thị; kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đô thị theo quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt.
Khu đô thị thuộc huyện Mê Linh đã được Thủ tướng phê duyệt có sự thẩm định của Bộ Xây dựng. Hiện nay đang có 47 dự án với 2.000 ha được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt quy hoạch 1/500. Nhưng kể từ khi Mê Linh chuyển về Hà Nội từ tháng 8/2008 đến nay, các dự án đang bị đình trệ không triển khai được. “Dân thì thiếu đất canh tác, trong khi 2.000 ha đất hoang hóa, nhà đầu tư thì sống dở chết dở. Vậy xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình về vấn đề này?”, đại biểu chất vấn.
Trả lời, Bộ trưởng Hà cho biết dự án đầu tư khu đô thị Mê Linh được lập năm 2004, do Bộ Xây dựng lập và thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt. Sau đó, chính quyền địa phương lập quy hoạch chi tiết và xúc tiến đầu tư.
Năm 2008 huyện Mê Linh (từ Vĩnh Phúc) sáp nhập vào TP. Hà Nội. Khi đó, Hà Nội đã rà soát để bảo đảm phù hợp quy hoạch chung của khu vực này. Bộ trưởng Hà cho rằng các công việc này cũng mất thêm một số thời gian.
“Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư đô thị Mê Linh, Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP. Hà Nội đầu tư một số công trình giao thông kết nối khu vực này với lân cận. Ngoài ra, thành phố cần rà soát điều chỉnh bố trí tổng mặt bằng khu đô thị nếu cần thiết. Hà Nội cũng cần rà soát năng lực, chọn chủ đầu tư có kinh nghiệm, đủ vốn để thực hiện dự án được giao”, ông Hà trả lời.
Mật độ đô thị tại Hà Nội và TP.HCM được điều chỉnh từ 24,6% lên 40%
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP.HCM) dẫn báo cáo chuyên đề của Quốc hội về về đất đai trong phần chất vấn của mình. Ông cho biết quy hoạch mật độ đô thị của Hà Nội và TP.HCM được điều chỉnh từ 24,6% lên 40%; tầng cao bình quân tăng từ 20,33 lên đến 40 tầng. Từ đó làm phá vỡ quy hoạch tổng thể của đô thị, gây quá tải cho quy hoạch chung và hạ tầng giao thông. “Vậy quan điểm của Bộ Xây dựng về vấn đề này như thế nào?”, ông đặt câu hỏi.
|
|
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà |
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP.HCM), Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đưa ra quan điểm rằng UBND TP. Hà Nội, TP.HCM phải thực hiện việc điều chỉnh mật độ xây dựng, chiều cao của các khu vực trong nội đô tuân thủ quy hoạch chung đã được Thủ tướng phê duyệt.
“Trường hợp thay đổi do thực tiễn địa phương, cần lập hồ sơ điều chỉnh theo đúng quy định để báo cáo Thủ tướng. Đồng thời các địa phương cần đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là giao thông để đáp ứng nhu cầu và tránh quá tải”, ông nói.
Tháo gỡ quy hoạch chậm triển khai
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) đặt câu hỏi về cách giải quyết, tháo gỡ các quy hoạch chậm triển khai. “Vậy quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân được hiến định và luật pháp quy định sẽ giải quyết như thế nào?”, bà Tâm đặt câu hỏi.
Trả lời, Bộ trưởng khẳng định việc bảo đảm lợi ích hợp pháp của người dân là hết sức cần thiết. Do đó, chính quyền địa phương cần nhanh chóng rà soát, tháo gỡ những quy hoạch và dự án chậm triển khai.
Bộ trưởng cho biết thêm: Vừa qua, TP.HCM đã làm việc với các doanh nghiệp bất động sản để có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho gần 100 dự án bất động sản hiện đang còn ách tắc.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Điều chỉnh quy hoạch tùy tiện gây bức xúc trong dư luận
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng mời Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm rõ những vấn đề liên quan đến lĩnh vực xây dựng. Vấn đề thứ nhất, Phó Thủ tướng thừa nhận về tình trạng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện ở các đô thị hiện nay. Ông cho rằng điều chỉnh quy hoạch là do những yêu cầu khách quan và chủ quan của các chủ thể liên quan. Điều chỉnh quy hoạch do Nhà nước yêu cầu, do người dân yêu cầu, do nhà đầu tư yêu cầu.
|
|
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thừa nhận quá tải hệ thống hạ tầng |
Phó Thủ tướng thừa nhận dư luận xã hội, cử tri và đại biểu Quốc hội đang rất bức xúc về tình trạng điều chỉnh quy hoạch chạy theo nhà đầu tư, điều chỉnh tùy tiện. Ông cũng cho rằng việc nâng tầng cao, mật độ xây dựng làm gia tăng dân số, giảm không gian công cộng… gây quá tải lên hệ thống hạ tầng. Từ đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân, gây bức xúc trong dư luận.
Về biện pháp khắc phục, ông yêu cầu các địa phương cho thanh tra, kiểm tra rà soát lại các quy hoạch điều chỉnh. Từ đó xem xét xử lý nghiêm với các quy hoạch bị điều chỉnh tùy tiện, không đáp ứng yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn trong quy hoạch. Cần có giải pháp đầu tư hạ tầng để đáp ứng yêu cầu gia tăng dân số. Xử lý nghiêm các cán bộ vi phạm
Đề cập đến việc kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng nhà cao tầng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh xu hướng tập trung hóa đô thị đang tăng rất nhanh. Trong đó, người dân dịch chuyển về đô thị lớn để tìm kiếm việc làm. Hà Nội và TP.HCM mỗi năm dân số tăng cơ học trên 2%. Tại 2 đô thị này mỗi năm tăng 200.000 người.
Mặt khác, theo Phó Thủ tướng, dân số nội đô rất cao, việc đầu tư hạ tầng, đặc biệt là giao thông không theo kịp. Từ đó gây ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.
Ông cho rằng cần một giải pháp đồng bộ, vừa trước mắt, vừa lâu dài. Trước mắt là phải kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng nhà cao tầng. Từ đó có kế hoạch xây dựng đô thị vệ tinh, với kết cấu hạ tầng chất lượng, đồng bộ, hiện đại để hấp dẫn người dân.
“Vừa qua, Thủ tướng đã yêu cầu UBND TP. Hà Nội nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch phía bắc sông Hồng làm đối trọng thu hút người dân ở nội đô. Ngoài ra cần bố trí nguồn lực để chuyển các cơ sở sản xuất ô nhiễm, các cơ quan đông người ra khỏi nội đô. Đây là vấn đề rất khó, cần nguồn lực lớn”, ông nói.
Về dài hạn, Phó Thủ tướng yêu cầu phải xây dựng chiến lược đô thị quốc gia, từng bước xây dựng đô thị vùng gắn với phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Giải pháp đó sẽ tạo nhiều việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, giữ chân lao động ở lại quê hương.
Về việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại dự án số 8B Lê Trực, Phó Thủ tướng cho biết Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đã trả lời rõ, Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo. Ông yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với Hà Nội có biện pháp xử lý dứt điểm, đảm bảo an toàn.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Xây dựng, Hà Nội và các cơ quan liên quan xử lý vi phạm tại khu HH Linh Đàm (quận Hoàng Mai) theo đúng quy định, như ý kiến đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) nêu.
Kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Bộ trưởng Phạm Hồng Hà tiếp tục trả lời các câu hỏi của đại biểu bằng văn bản. Bà nhấn mạnh nếu Phó Thủ tướng và Bộ trưởng cùng thực hiện đồng bộ các giải pháp được nêu trong phiên chất vấn, ngành xây dựng sẽ có những bước phát triển tốt hơn, đột phá hơn.