Địa ốc ồ ạt ăn theo cú hích hạ tầng
Cập nhật lúc 15:05, Thứ ba, 13/05/2014 (GMT+7)
Nhiều doanh nghiệp đã mạnh tay rót vốn khủng vào các dự án bất động sản ở các khu vực hứa hẹn có hạ tầng tốt như các tuyến Metro, Trung tâm hành chính mới Thủ Thiêm, cầu vượt, đường cao tốc liên vùng, kết nối trục Đông - Tây TP HCM...
Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, Marc Townsend đánh giá, từ cuối năm 2013 đến đầu năm 2014, số lượng các công trình hạ tầng tại TP HCM được đưa vào sử dụng đã tăng lên đáng kể. Ngoài khu đô thị mới Thủ Thiêm và tuyến Metro mới rục rịch còn phải chờ đợi thêm, còn lại các tuyến cao tốc đã đi vào hoạt động và 6 cây cầu vượt trải đều khắp các quận nội, ngoại thành đã phát huy hiệu quả.
"Tôi tin rằng lượng giao dịch thành công nhiều hơn và doanh nghiệp vẫn rót vốn đầu tư vào các dự án nhà ở có một phần góp sức của cú hích hạ tầng", ông Marc Townsend nhận xét.
Trao đổi với VnExpress.net, Giám đốc sàn giao dịch bất động sản ACB (ACBR) Ngô Đình Hãn phân tích: "Hạ tầng gần như là máu thịt của bất động sản. Ở đâu có hạ tầng tốt thì ở đó bất động sản cũng hưng thịnh theo". Thế nhưng, ông Hãn cho rằng không phải lúc nào nhà đất cũng nóng sốt theo cầu đường, trường trạm. Hạ tầng tác động đến các dự án qua nhiều giai đoạn: quy hoạch, khởi công và hoàn thiện.
Ông Hãn giải thích, tại Việt Nam nhà đất thường trải qua giai đoạn tăng giá mạnh mẽ, đổ xô săn lùng, gom hàng khi các dự án hạ tầng vừa mới được công bố quy hoạch. Đây được xem là cột mốc vàng son của các dự án nhà đất khi lần đầu tiên đón cú hích hạ tầng.
Tuy nhiên, sau khi được loan tin và tiếp tục thời gian chờ đợi hoặc ngủ vùi trên bản vẽ, thời điểm cầu đường được khởi công xây dựng, các dự án nhà đất có thể rục rịch hâm nóng một lần nữa. Song đợt làm giá ở giai đoạn thứ hai này mức độ nhẹ hơn lần đầu.
Sau cùng là khi hoàn thiện hạ tầng, hầu như bất động sản miễn nhiễm với việc tăng giá, nếu có thì chỉ tăng ở tỷ lệ không đáng kể. Tín hiệu tốt duy nhất là giao dịch nhiều hơn. Thời điểm này, biên độ tăng giá của bất động sản nhờ hưởng lợi từ thông tin hạ tầng không còn nữa do đã tăng quá nhiều ở hai giai đoạn trước.
Theo ông Hãn, hiện nay ngoại trừ các quận vùng ven, mới chia tách, còn quỹ đất lớn tại TP HCM chịu tác động mạnh từ cú hích hạ tầng. Các khu vực thuộc nội đô, khu trung tâm hành chính hầu như không còn biên độ tăng giá nữa. "Hạ tầng một khi đã hoàn thiện chỉ còn đóng vai trò hỗ trợ bất động sản ở khả năng thu hút dân, đô thị hóa nhằm làm tăng giá trị xã hội, kích thích thanh khoản là chính", ông nói.
Theo VnExpress
.