12 năm hoạt động, bến xe Lương Yên (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã đáp ứng được một phần nhu cầu đi lại của người dân và tạo công ăn việc làm cho nhiều doanh nghiệp vận tải. Tuy nhiên, bến cũng đã và đang gây những áp lực giao thông tiêu cực đến toàn bộ khu vực này. Chủ trương di dời bến xe Lương Yên, vì thế, cần sớm thực hiện.
Tiên phong mô hình bến xã hội hóa
Năm 2004, bến xe Lương Yên - thuộc Công ty TNHH một thành viên lương thực Lương Yên - được đưa vào khai thác hoạt động theo mô hình xã hội hóa, trên tổng diện tích đất gần 14.500 m2. Trong đó, hơn 5.000 m2 phục vụ làm bãi đỗ xe ô tô chờ vào vị trí đón khách và 4.000 m2 bãi đỗ xe dành cho các phương tiện khác.
Ngay từ thời điểm được đưa vào khai thác cũng như đến nay, bến xe Lương Yên vẫn được ghi nhận bởi tính chất “xã hội hóa” mang tính tiên phong; tạo được cơ chế quản lý, vận hành tư nhân, có lợi cho cơ quan quản lý, đơn vị khai thác bến, doanh nghiệp vận tải và cả hành khách. Vị trí ở trung tâm nội đô của bến xe này giúp hút được đáng kể lượng khách ở nội thành đi các tuyến phía Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương.
Khoảng tháng 9-2011, một nửa diện tích bến bị thu hẹp, cùng với việc số lượt phương tiện mỗi ngày giảm đi một nửa. Hiện diện tích để phục vụ vận tải hành khách chừng 7.000 m2; còn lại hoặc được trưng dụng trông giữ phương tiện, hoặc cho thuê, hoặc… để cỏ mọc. Bến Lương Yên những ngày cuối tháng 5 này, có khoảng 300-350 lượt ô tô khách mỗi ngày, chưa kể xe buýt. Theo tiến độ, đến ngày 26-7, bến sẽ hết thời hiệu được hoạt động.
Áp lực tăng theo ngày
Tuy đáp ứng được một phần nhu cầu đi lại của người dân, nhưng nếu để cân đong đo đếm những hệ lụy mà bến xe này đã và đang tạo ra, cần có sự cân nhắc và quyết định đúng đắn. Từ khi cầu Vĩnh Tuy đưa vào sử dụng, trục đường Nguyễn Khoái trực tiếp “gánh” lượng lớn xe khách, xe buýt ra vào nội thành, thay vì lộ trình cầu Chương Dương, Thanh Trì như trước kia. Gần đây nhất, tuyến đường vành đai 1 đưa vào sử dụng; cộng thêm áp lực cũ từ 3 cửa khẩu Vân Đồn, Đầm Trấu và Lãng Yên ăn thẳng ra đường Nguyễn Khoái… Những áp lực đã và đang khiến các biện pháp tổ chức giao thông không thể phát huy hiệu quả, nếu vắng bóng lực lượng chức năng.
Chủ tịch UBND phường Bạch Đằng (địa bàn có bến xe Lương Yên), bà Lê Bích Hằng chia sẻ: “Toàn phường có khoảng 24.000 dân, trong đó hơn một nửa sống ngoài đê. Thông thường mỗi ngày chỉ có giờ cao điểm sáng - chiều, nhưng chúng tôi lại có đến hàng loạt giờ cao điểm khác là khi xe khách, xe buýt đến và rời bến. Ngoài áp lực giao thông, công tác đảm bảo, giữ gìn ANTT khu vực quanh bến xe Lương Yên hết sức vất vả đối với phường, quận”.
“Cần di dời bến xe để phục vụ nhân dân tốt hơn”, Thượng tá Lê Văn Hoan, Đội trưởng Đội CSGT số 4, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội đã bày tỏ quan điểm như vậy khi trao đổi về chủ trương di dời bến xe Lương Yên. Theo chỉ huy Đội CSGT số 4, từ thực tế công tác quản lý, đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, trong đó có bến xe Lương Yên, đơn vị đã nhiều lần gửi văn bản đến các cơ quan chức năng, đề nghị di chuyển bến xe Lương Yên sang vị trí khác thuận tiện hơn cho cả hành khách cũng như người tham gia giao thông. Lý do bởi, bến xe nằm ở ngay đê Nguyễn Khoái, tuyến đường rất chật hẹp.
Việc di chuyển của các xe khách qua tuyến đường này rất khó khăn, gây ùn tắc giao thông, nhất là trong những khung giờ cao điểm. Đáng chú ý, mỗi khi xe khách vào bến lại phải quay đầu, choán gần hết phần đường, gây ùn tắc cục bộ. Hàng trăm lượt xe tham gia vận chuyển hành khách, cộng với lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên đường đã ảnh hưởng lớn tới công tác đảm bảo ATGT trên tuyến đường Nguyễn Khoái.
“Trong thời gian qua, để đảm bảo ATGT tại khu vực này, Đội CSGT số 4 đã phải tăng cường thêm CBCS với 3 ca mỗi ngày. Ngoài ra, hỗ trợ cho các ca công tác còn có chốt CSGT ở khu vực cầu Vĩnh Tuy, đầu phố Trần Hưng Đạo... nhằm phân luồng từ xa khi có yêu cầu. Chưa bàn đến hiệu quả của bến xe trong việc vận chuyển hành khách, song việc tồn tại bến xe ở một vị trí không thuận lợi, gây ảnh hưởng đến ATGT, thì các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, di dời sang vị trí mới” - Thượng tá Lê Văn Hoan kiến nghị.
Theo ANTĐ