Thực hiện việc tháo dỡ công trình vi phạm 8B Lê Trực, Công ty cổ phần may Lê Trực, chủ đầu tư công trình 8B Lê Trực có văn bản cho rằng, khi xảy ra vụ việc, chủ đầu tư đã lập phương án tháo dỡ kèm theo dự toán chi tiết và triển khai tháo dỡ. Chủ đầu tư đã phá dỡ gần xong tầng 20 thì UBND quận Ba Đình ra quyết định cưỡng chế và quận, phường lập chốt bảo vệ tại cổng công trình, không cho người dân, doanh nghiệp được vào.

Việc phá dỡ đã kết thúc từ tháng 10/2016 nhưng hơn 4 năm qua vẫn chưa có phương án phá dỡ, hồ sơ thanh toán. Công ty đã nhiều lần có văn bản đề nghị quận hoàn thiện hồ sơ nhưng không thực hiện nên đơn vị chúng tôi không thể quyết toán.

Việc xử lý vi phạm TTXD của UBND quận Ba Đình đã kéo dài 5 năm, việc thực hiện phá dỡ tầng 18, 17 là không thể thực hiện được do tầng 18 có hệ kết cấu dầm treo phá không gia cố được sẽ sập đổ cả tòa nhà, nhưng không báo cáo trung thực với thành phố, dẫn đến kéo dài gây thiệt hại rất lớn cho người dân mua nhà, chủ đầu tư, Nhà nước về thuế.

leftcenterrightdel
Loay hoay tìm giải pháp tháo dỡ xây dựng vi phạm, đảm bảo an toàn cho toà nhà. 

Về vụ việc này, tại buổi họp báo, Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học cho biết, hiện UBND quận Ba Đình đã có 3 đề xuất với UBND TP Hà Nội về việc xử lý, phá dỡ đối với công trình vi phạm 8B Lê Trực.

Liên quan đến việc cưỡng chế công trình tòa nhà 8B Lê Trực (Ba Đình), Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Thanh Học cho biết, mấy năm qua Thành phố và quận cũng rất quyết liệt trong việc xử lý. Nhưng công trình này không đơn giản và việc tháo dỡ phải thực hiện như thế nào để đảm bảo an toàn.

Bởi, các đơn vị trước đây từng vào đã xin rút vì sợ không đảm bảm an toàn công trình.

Ông Học nói thêm, về việc xử lý công trình này, UBND quận Ba Đình đã có 3 đề xuất với UBND TP.

Cụ thể, thứ nhất, đề xuất với UBND TP cho phép Bộ Tư lệnh Thủ đô và các đơn vị công binh đang có của Bộ Tư lệnh xem có khả năng tháo dỡ công trình này không.

Bên cạnh đó, nếu cần thiết thậm chí cần đề xuất Bộ Tư lệnh Công binh vào cuộc.

Thứ hai, đề xuất Bộ xây dựng chỉ định một đơn vị tư vấn, thiết kế có năng lực tham gia phá dỡ phần sai phạm. Hiện Bộ trưởng Xây dựng cho biết, sẽ sẵn sàng hỗ trợ.

Thứ ba, đề xuất Sở KH-ĐT, Sở Tài chính hướng dẫn quận việc đấu thầu và cam kết phá dỡ đảm bảo tiến độ, nhưng quan trọng nhất là đảm bảo an toàn trong quá trình phá dỡ và sau phá dỡ để công trình đi vào hoạt động.

Trước đó, ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết, đối với công trình này, quận đã buổi thông tin báo chí, nêu đầy đủ các thông tin từ quy hoạch, cấp giấy phép đến vi phạm trật tự xây dựng và xử lý.

Quận cũng được thành phố giao, phối hợp với các Sở ngành xem xét phương án tiếp tục xử lý vi phạm trật tự xây dựng ở đây.

Ông Chiến nêu rõ, về trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng tại địa phương đối với công trình này trước hết thuộc quận Ba Đình. Đối với công tác xử lý vi phạm gặp vướng mắc nhiều về mặt kỹ thuật và hiện nay quận chưa có phương án thiết kế.

Ông giải thích, để đảo đảm thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng là tháo dỡ bộ phận vi phạm của công trình tuy nhiên đảm bảo tuyệt đối an toàn cho bộ phận công trình còn lại, phải có phương án thiết kế đảm bảo về mặt kỹ thuật, đảm bảo an toàn kể cả trong và sau khi tháo dỡ.

"Hiện nay chúng tôi vẫn đang tìm kiếm đơn vị thiết kế, tư vấn thiết kế tháo dỡ và đã có báo cáo thành phố về khó khăn vướng mắc.

Sau khi TP chỉ đạo, hiện nay Sở xây dựng, Quy hoạch kiến trúc đang phối hợp với quận để có giải pháp.

Chúng tôi đã tìm kiếm rất nhiều đơn vị tư vấn, có hơn 30 văn bản gửi đến các đơn vị trên cả nước. Các đơn vị tư vấn này là được đăng trên Cổng thông tin Bộ xây dựng, có năng lực, được hành nghề hợp pháp.

Tuy nhiên, có công ty trả lời không tham gia, có nơi không trả lời. Nếu nói về quá thời hạn thì không có quy định về thời hạn, tuy nhiên quan điểm, không thể chờ đợi mãi được.

Ngoài ra, chúng tôi đã báo cáo thành phố về hướng không tìm được nhà tư vấn", ông Chiến nêu rõ.

Công trình 8B Lê Trực nằm sát khu chính trị Ba Đình, cách Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tòa nhà Quốc hội khoảng 300 m, cách Văn phòng Trung ương Đảng, Phủ chủ tịch chừng 500 m, tính theo đường chim bay. Chủ đầu tư xây xong phần thô thì bị phát hiện sai phạm so với giấy phép xây dựng.

Tháng 11/2015, TP Hà Nội bắt đầu phá dỡ phần sai phạm tại dự án này, gần một năm sau thì hoàn thành giai đoạn một. Cuối năm 2019, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu TP Hà Nội tập trung xử lý dứt điểm vi phạm tại nhà 8B Lê Trực, đồng thời nêu rõ việc xử lý phải đảm bảo an toàn công trình và quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.

 

Ngọc Anh