Sau khi Hà Nội có văn bản thống nhất vị trí đặt các cửa lên xuống của ga tàu điện ngầm ngay cạnh hồ Gươm, nhiều ý kiến cho rằng cần tìm địa điểm thích hợp để tránh làm ảnh hưởng và “lấn át” không gian của di sản quốc gia đặc biệt này.

 

 


Đặt ngay sát Hồ Gươm

Lý giải việc chọn vị trí đặt ga ngầm C9, tuyến đường sắt đô thị số 2 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) và các cửa lên xuống của ga ở khu vực cạnh hồ Gươm, ông Nguyễn Đức Nghĩa - Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Quy hoạch - Kiến trúc) cho rằng, việc nghiên cứu ga C9 đã được triển khai từ nhiều năm qua với nhiều phương án khác nhau.

“Để bảo đảm khoảng cách giữa các ga, vị trí đặt ga C9 tại khu vực hồ Gươm (đoạn trước Tổng Công ty Điện lực Hà Nội) là tối ưu. Vị trí này đã được nghiên cứu thận trọng, cân nhắc giữa nhiều phương án và phù hợp với các quy hoạch, hướng tuyến đã được phê duyệt”, ông Nghĩa cho biết.

Theo ông Nghĩa, trong quá trình nghiên cứu, ngoài tuyến số 2 nói riêng còn phải xem xét sự kết nối với các tuyến đường sắt đô thị khác trong 8 tuyến đã được quy hoạch. Trước đây, đã nghiên cứu 3-4 phương án hướng tuyến, kể cả khu vực giáp đê sông Hồng hay khu vực Nhà hát Lớn...

Tuy nhiên, những phương án này không đáp ứng được yêu cầu bảo đảm thu hút lượng hành khách, khoảng cách giữa các nhà ga và các tiêu chuẩn, quy chuẩn khác. Về các cửa ga làm lối lên xuống đã từng có 10 phương án khác nhau, nhưng theo vị này, thành phố vẫn muốn chọn phương án tối ưu.

Chẳng hạn, phương án đặt cửa lên xuống trên hè phố Đinh Tiên Hoàng đoạn gần trụ sở UBND thành phố Hà Nội khó khả thi vì khu vực này tập trung nhiều cơ quan, cần đảm bảo an ninh. Phương án đặt tại vỉa hè phố Hàng Dầu cũng khó vì vỉa hè quá hẹp, khả năng giải phóng nhà dân lại rất khó.

“Sau khi cân nhắc tính toán kỹ phương án bố trí cửa ga lên xuống ở phía sau đền Bà Kiệu và khu vực nhà vệ sinh ven Hồ Gươm với ký hiệu số 3 và số 4 được thành phố đồng ý cho nghiên cứu”, ông Nghĩa nói.

Việc Hà Nội thống nhất hai cửa lên xuống số 3 và 4 của ga C9 đều nằm trong khu vực bảo tồn của di sản quốc gia đặc biệt hồ Gươm. “Quan điểm của chúng tôi là vị trí lối lên xuống ở đây còn phù hợp để tổ chức không gian đi bộ quanh hồ Gươm.

Với ý nghĩa quan trọng của không gian hồ Gươm, sau khi các sở, ngành báo cáo, thành phố sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến rộng rãi các hội nghề nghiệp, bộ quản lý chuyên ngành, chuyên gia, nhà khoa học mới có quyết định chính thức”, lãnh đạo Sở Quy hoạch-Kiến trúc lý giải.

Không có thiết kế đô thị nên rất tuỳ tiện

Liên quan đến vấn đề này, trước đó Bộ VH-TT&DL đã đề nghị xây dựng thêm các phương án bố trí nhà ga, lối lên, lối xuống của ga C9 và biện pháp giảm thiểu tác động. Lý do là khu vực trên nằm trong phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt hồ Gươm và đền Ngọc Sơn.

Đây là khu vực trọng yếu, gắn với truyền thuyết, lịch sử và văn hiến của thủ đô Hà Nội. Đồng thời, đây cũng là không gian có giá trị thẩm mỹ và cảnh quan phục vụ nhu cầu sinh hoạt công cộng của nhân dân.

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng bày tỏ những lo ngại về việc ngày càng có nhiều công trình “lấn át” không gian di sản hồ Gươm. Theo KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam, đã có nhiều ý kiến không ủng hộ đặt ga tàu điện ngầm sát hồ Gươm.

Theo KTS Tùng, bản thân một nhà ga tàu điện ngầm không ảnh hưởng nhiều đến cảnh quan khu vực nhưng hoạt động khai thác của nhà ga tác động rất lớn đến hoạt động của khu vực di tích này. Vì thế, phải lựa chọn tổ chức không gian trong nhà ga và đặc biệt là các lối đi lên xuống thích hợp để không những thuận tiện cho người tới tham quan mà còn không ảnh hưởng di tích.

Về quy hoạch, hiện quy hoạch phân khu khu vực hồ Gươm và phụ cận chưa được phê duyệt. “Rõ ràng việc đặt vị trí ga C9 và các cửa lên xuống sát cạnh di tích, sát hồ Gươm là không nên. Việc không có thiết kế đô thị, quy hoạch phân khu khu vực này chưa có nên rất tuỳ tiện.

Vì vậy cần phải tham khảo quy hoạch này để tìm mối tương quan với các công trình lân cận và hệ thống giao thông công cộng. Hoàn toàn có thể di chuyển cửa lên xuống cách xa hồ Gươm, thì cớ sao không làm”, ông Tùng nói.

Nhiều KTS cho hay, nếu chọn phương án đặt ga và các lối lên xuống ở khu vực hồ Gươm thì tốt nhất để ga C9 ở phía khu đất ở Tổng Công ty Điện lực Hà Nội hiện nay. Ngày xưa khu đất này làm nhà máy điện, bây giờ trở thành cơ quan làm hành chính nên sớm muộn những khu đất này cũng bị “thôn tính” thành các khu cao tầng.

 Nếu đặt ga ở đó vừa mở rộng không gian công cộng vừa làm hầm ngầm thì hợp lý nhất. Đó là ước mơ của các KTS Hà Nội. Hơn nữa chức năng của khu đất này là chức năng công cộng, trong tương lai nhiều cơ quan, công sở đã được quy hoạch di dời, trong đó có khu đất Tổng Công ty Điện lực Hà Nội.
 

Trả lời câu hỏi của PV, “bao giờ quy hoạch hồ Gươm và phụ cận được phê duyệt?”, lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết, khu vực hồ Gươm và vùng phụ cận nằm trong 3 đồ án quy hoạch phân khu, hiện đang được thẩm định. “Khâu thẩm định 3 đồ án này rất thận trọng, bởi tính chất quan trọng của khu vực hồ Gươm mặt khác có liên quan đến ga C9 nên còn phải xin ý kiến các bộ, ngành. Theo kế hoạch của thành phố thì trong thời gian ngắn nữa sẽ trình phê duyệt”, vị này nói.

 

Theo Tiền phong

.