Đà Nẵng nỗ lực xây dựng "thành phố thông minh"
Cập nhật lúc 23:58, Thứ hai, 11/01/2016 (GMT+7)
Nhằm xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố thông minh, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT- TT) giải quyết các vấn đề nóng đang được quan tâm hiện nay như tình trạng quá tải phương tiện, tình trạng ùn tắc giao thông tại các nút giao thông,... chiều 4-1, Sở KH và CN Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm Tin học và Tính toán – Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam tổ chức Hội thảo "Giải pháp CNTT và TT xây dựng thành phố thông minh". (Đà Nẵng, Thành phố đẹp, Ông Hồ Kỳ Minh)
Nhằm xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố thông minh, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT- TT) giải quyết các vấn đề nóng đang được quan tâm hiện nay như tình trạng quá tải phương tiện, tình trạng ùn tắc giao thông tại các nút giao thông,... chiều 4-1, Sở KH và CN Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm Tin học và Tính toán – Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam tổ chức Hội thảo “Giải pháp CNTT và TT xây dựng thành phố thông minh”.
PGS – TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng cho hay, việc xây dựng thành phố thông minh là cần thiết nhưng trước mắt thành phố cần tập trung ưu tiên ứng dụng CNTT trong hệ thống giao thông đô thị, kiểm soát ô nhiễm không khí, nguồn nước. PGS – TS Thọ cũng lưu ý Đà Nẵng, phải có giải pháp căng cơ lâu dài, quản lý nhu cầu giao thông, rồi mới nghỉ đến giải pháp ứng dụng CNTT trong hệ thống giao thông đô thị.
Chỉ rõ để xây dựng Đà Nẵng trở thành “thành phố thông minh” thì hạ tầng CNTT phải đi trước một bước, ông Nguyễn Hoài Đức, Trưởng Phòng CNTT, Sở TT & TT Đà Nẵng đề xuất, thành phố cần tiếp tục đầu tư và kêu gọi đầu tư phát triển các ứng dụng thông minh trong các lĩnh vực như giao thông, quản lý nước, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát chất lượng không khí, hệ thống cảnh báo và phòng chống thiên tai. Ngoài ra, tăng cường ứng dụng CNTT trong xử lý thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân, tạo môi trường giao dịch công khai, minh bạch giữa chính quyền và người dân.
TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc Trung tâm Thông tin và tính toán, Viện Hàn Lâm cho rằng, phát triển bền vững quy hoạch hạ tầng giao thông thành phố thông minh để phòng chống ùn tắc, giảm thiểu tai nạn, phân luồng và quy hoạch giao thông thông minh; Bảo đảm an ninh an toàn, nhanh chóng trợ giúp người dân trên đường phố và tại các khu dân cư khi xảy ra cướp giật, thông tin chỉ dẫn giao thông thuận tiện; phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng: xe buýt và BRT sử dụng các công nghệ trợ giúp thuận tiện cho hành khách.
GS-TSKH Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhìn nhận, Đà Nẵng là thành phố hợp lý nhất Việt Nam để xây dựng và phát triển thành phố thông minh. Trên cơ sở đó, Viện Hàn lâm sẽ hợp tác chặt chẽ với Đà Nẵng để xây dựng “thành phố thông minh” qua từng lớp và từng giai đoạn.
Theo Báo Công an Đà Nẵng
.